Blog

Nuôi thủy sản vẫn là “trụ cột” trong kinh tế nông nghiệp

Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2023, giai đoạn 2020 – 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chọn lĩnh vực có lợi thế là nuôi thủy sản làm “trụ cột” trong phát triển kinh tế nông nghiệp; lĩnh vực này được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, Sở NN-PTNT đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp, hướng đến mục tiêu: nuôi thủy sản vẫn là “trụ cột” trong kinh tế nông nghiệp.

Nhân viên Công ty Rynan Technologies Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh đo kích thước, trọng lượng tôm nuôi tại mô hình nuôi thủy sản áp dụng công nghệ năng lượng sạch tại thị xã Duyên Hải. Ảnh: MỸ NHÂN

 

Xây dựng nền tảng nuôi công nghệ cao

Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phân tích: để nuôi thủy sản giữ mức tăng trưởng chính trong cơ cấu nông nghiệp, ngành luôn quan tâm đến khu vực này, bởi thế mạnh về thủy sản của tỉnh là phát triển đươc ở các vùng nuôi, góp phần tăng sản lượng, chất lượng và giá trị; đồng thời, giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng trưởng toàn ngành.

Để phát triển kinh tế thủy sản bền vững, cạnh tranh cao, tỉnh định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản trên nền tảng nuôi công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Từ quan điểm đó, năm 2021, nuôi tôm thâm canh mật độ cao trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu phát triển; toàn tỉnh có hơn 884ha, tăng 249ha so với năm 2020, năng suất đạt từ 50 – 70 tấn/ha. Để đạt kết quả ban đầu, tỉnh triển khai các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chuyển giao khoa học – kỹ thuật, góp phần tạo giá trị sản xuất toàn ngành đạt 27.863 tỷ đồng, đạt 99,14% kế hoạch, tăng 0,24% so cùng kỳ. Trong đó, thủy sản, 10.604 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch (sản lượng thủy sản 222.527 tấn, đạt 93,66% kế hoạch).

Từ nền tảng nuôi công nghệ cao đã xây dựng, năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 29.556 tỷ đồng, đạt 95,22% kế hoạch, tăng 2,79% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản 11.301 tỷ đồng, đạt 96,45% kế hoạch, tăng 6,57%, vẫn là “trụ cột” của toàn ngành. Đặc biệt, năm 2022, ngành triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 3168/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021); Phương án phát triển ngành tôm giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1925/QĐ-UBND, ngày 29/9/2022); điều chỉnh cơ cấu con nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; nhờ đó, lĩnh vực nuôi thủy sản, toàn tỉnh thả nuôi 59.675ha, vượt 10% kế hoạch. Trong đó, nuôi thâm canh mật độ cao 1.114ha, tăng 230ha so với năm 2021, góp phần đưa sản lượng nuôi đạt 169.160 tấn, đạt 98,6% kế hoạch, tăng 10,93% so cùng kỳ.

Triển khai chiến lược nuôi bền vững

Năm 2023, kết quả mang lại từ triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rõ nét. Sở NN-PTNT điều chỉnh cơ cấu con nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Ước tổng sản lượng thủy sản 230.058 tấn, đạt 94,7% kế hoạch, tăng 3,84% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực nuôi thủy sản, ước thả nuôi 60.543ha vượt 16,21% kế hoạch; các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, sử dụng con giống có chất lượng, môi trường nuôi được quan tâm bảo vệ nên giảm dịch bệnh, góp phần đưa tổng sản lượng nuôi ước đạt 178.650 tấn, đạt 99,14% kế hoạch, tăng 7,73% so cùng kỳ.

 

Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát: Phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với XDNTM. Phấn đấu xây dựng nông nghiệp của tỉnh theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,6% so với năm 2023: nông nghiệp tăng 1,75%, lâm nghiệp tăng 0,97%, thủy sản tăng 6,56%, tổng sản lượng thủy sản 244,92 ngàn tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 52,82 ngàn tấn, sản lượng nuôi 192,1 ngàn tấn.

 

 

Đáng chú ý, năm 2023, ngành đã hướng dẫn 40 hộ thực hiện nuôi các đối tượng chủ lực (tôm), diện tích hơn 34ha, 100 ao nuôi trên địa bàn huyện Duyên Hải, đã được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 127 hộ, với 55,83ha, 242 ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đăng ký nuôi và đã được cấp giấy xác nhận: Cầu Ngang 75 hộ, 16,37ha, 99 ao; Duyên Hải 40 hộ, 33,43ha, 85 ao; thị xã Duyên Hải 11 hộ, 5,75ha, 52 ao; Châu Thành 01 hộ, 0,31ha, 06 ao.

Song song đó, năm 2023, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao tiếp tục được nhân rộng, có 1.120ha (tăng 10ha so cùng kỳ) tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, năng suất bình quân từ 50-70 tấn/ha; tiếp tục duy trì nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng với diện tích 5.750ha tập trung chủ yếu ở huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, mô hình lúa – thủy sản 5.600ha, ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải… Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất toàn ngành 31.297 tỷ đồng, vượt 3,8% kế hoạch, tăng 3,51% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp 18.960 tỷ đồng, vượt 4,42% kế hoach, tăng 1,59%; thủy sản 12.074 tỷ đồng, vượt 03% kế hoạch, tăng 6,78%.

Triển vọng với vai trò là “trụ cột”

Năm 2024 – năm thứ tư triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021 – 2025. Ngành thủy sản có nhiều cơ hội thuận lợi cũng như thách thức: khoa học – kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học tiếp tục phát triển mạnh mẽ cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại nhiều thay đổi trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; nhiều giống, công nghệ mới, cùng với phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch bệnh được nâng lên; kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nhiều chính sách mới được ban hành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản và triển vọng với vai trò là “trụ cột”.

Để giữ vai trò “trụ cột”, đòi hỏi toàn ngành cần ứng phó kịp thời, có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại; tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu được giao, góp phần đưa tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, phát triển đồng bộ, toàn diện vùng nuôi; áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi hiện đại gắn với chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản chế biến.

Đồng thời, đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về môi trường nuôi; cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc; triển khai thực hiện các giải pháp phát triển nuôi phù hợp với địa phương; thực hiện hiệu quả Quyết định số 3168/QĐ-UBND; phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND nghiêm túc và hiệu quả.

TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nuoi-thuy-san-van-la-tru-cot-trong-kinh-te-nong-nghiep-34964.html