Tin tức

Đồng Tháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nông nghiệp là lĩnh vực nền tảng của Đồng Tháp, do đó tỉnh ưu tiên lựa chọn lĩnh vực này để chuyển đổi số đầu tiên, đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, quyết tâm trở thành địa phương đứng đầu trong chuyển đổi số.

Thông tin được ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp – khẳng định, tại Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn”, do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chiều ngày 15/10.

Đồng Tháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp: Đồng Tháp ưu tiên lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp để chuyển đổi số đầu tiên, nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Ảnh Nguyệt Ánh

Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Hội thảo nhằm góp phần chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nông nghiệp được xem là lĩnh vực nền tảng của Đồng Tháp, do đó Đồng Tháp đã ưu tiên lựa chọn lĩnh vực này để chuyển đổi số đầu tiên, tiếp đến sẽ là các lĩnh vực chính quyền số và kinh tế số. Thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực này cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đồng Tháp trong giai đoạn 2020 – 2025.

Các doanh nghiệp (DN), nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nhìn nhận việc chuyển đổi số, định hướng nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp riêng cho lãnh đạo UBND cấp huyện, ngành nông nghiệp, đặc biệt là những nông dân đến từ các hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Đồng Tháp có nhiều thế mạnh về nhân lực và nguồn lực trong chuyển đổi số, cùng với đó Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ là cơ sở thuận lợi để tỉnh thực hiện mục tiêu này. Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích như: dự báo nhu cầu thị trường chính xác, dự đoán nguồn cung sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu.

Đồng Tháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp hoàn thành những việc con người không làm được như giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh… Từ việc chuyển đổi số nông nghiệp sẽ tạo ra những giá trị gia tăng, có thể truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu…

Chuyển đổi số nâng cao giá trị hàng hóa nông sản

Trong khuôn khổ hội thảo, các DN trong lĩnh vực công nghệ đã giới thiệu nhiều thiết bị thông minh có thể ứng dụng trong nông nghiệp như: Hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh (áp dụng công nghệ IoT 4.0); nền tảng Agriconect – kết nối doanh nghiệp, hộ gia đình với các sàn thương mại điện tử; công nghệ đóng gói khí cải tiến, màng và khay đa lớp cản khí cao nhằm giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm nông nghiệp, máy đóng gói với khí cải tiến, máy in truy xuất nguồn gốc; thiết bị thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tôm… đến các đại biểu. Đồng thời, mong muốn nông dân Đồng Tháp hãy tự tin trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, đây không còn là điều xa vời nữa, vì nó đã hiển hiện trên thực tế ở đồng ruộng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng Tháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Công ty Cổ phần Rynan Technologies Vietnam giới thiệu máy cho tôm ăn thông minh tai hội thảo

Với quyết tâm trở thành địa phương đứng đầu trong chuyển đổi số trong nông nghiệp, Đồng Tháp bước đầu đã ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cấy lúa bằng máy, sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính… Từ đó, đã giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu bền vững có chất lượng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, Đồng Tháp sẽ kiên quyết đẩy mạnh việc áp dụng, chuyển đổi số trong thời gian tới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Đồng thời Đồng Tháp quyết tâm trở thành địa phương đứng đầu trong chuyển đổi số, giúp nông dân làm giàu từ mảnh ruộng của mình.

Minh Khuê