Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ:
Nghĩ mình là người Việt Nam, đừng nghĩ mình là Việt Kiều, thì mình sống thoải mái hơn ở Việt Nam.
CONTACTS
Tin tức

Đau đáu đưa công nghệ tiên tiến về quê hương

“Ngày nào đó, anh về lại quê, xây dựng nhà xưởng, tạo công ăn việc làm, giúp người trong làng có cuộc sống tốt hơn” – anh Nguyễn Thanh Mỹ hứa với vợ tương lai là Bùi Thị Nhàn khi cả hai cùng làm phục vụ cho một nhà hàng nổi tiếng tại Canada vào những năm 1982. 

Có ai nghĩ, lời hứa ấy của anh bồi bàn Nguyễn Thanh Mỹ ngày nào giờ thành hiện thực khi ông là chủ tịch một tập đoàn với chuỗi công nghệ tiên tiến mang về áp dụng trên chính quê hương của mình và giúp hàng trăm lao động nông thôn có việc làm ổn định…

 

Từ bồi bàn đến doanh nhân thành đạt

Nguyễn Thanh Mỹ hiện là Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) là một trong những doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam. Tuổi thơ ông là những tháng ngày vừa học vừa vất vả phụ mẹ gánh vác chuyện cơm áo gạo tiền để lo cho những đứa em. Bằng sự cố gắng của bản thân, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM trước khi di cư sang Canada vào năm 1979. Ông Mỹ kể: “Nơi đất khách quê người, chật vật lắm mới tìm được một công việc bồi bàn tại một nhà hàng lớn. Và cũng tại đây, tôi đã gặp được ý trung nhân của mình là bà Bùi Thị Nhàn, rồi nên nghĩa phu thê”.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ

Sau khi lập gia đình, ông đăng ký học tiếng Anh, học đại học chuyên ngành hóa học phân tích tại Đại học Concordia (Canada), hoàn thành chương trình cử nhân vào năm 1986. Hai năm sau, ông bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và luận án tiến sĩ năm 1990 với chuyên ngành “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang” thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học năng lượng vật liệu Canada. Nhiều tập đoàn lớn ở xứ sở cờ hoa mời ông về làm việc như IBM, Sun Chemical, Kodak PolyChrome Graphics…, nhưng năm 1997, ông Mỹ quyết định trở lại Canada thành lập công ty riêng với công nghệ in offset, cho thuê bản quyền ở nhiều nước trên thế giới, quy mô sản xuất kinh doanh đa quốc gia.

Trở thành doanh nhân thành đạt và là nhà khoa học với trên 200 bằng sáng chế, nhưng ông Mỹ quyết định quay lại Trà Vinh. “Vùng đất này chính là quê hương của tôi và ước mơ lớn nhất trong đời tôi là về quê hương xây dựng nhà xưởng, tạo công ăn việc làm, giúp người trong làng có cuộc sống tốt hơn”, ông Mỹ bộc bạch. Vậy là năm 2004, để lại công ty bên Canada cho vợ quản lý, ông một mình quay về quê hương. Khi ấy Trà Vinh là một tỉnh còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, Khu công nghiệp Long Đức vẫn còn là những thửa ruộng mênh mông. Trải qua nhiều chông gai, thử thách, ông đã xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan chuyên sản xuất bản in offset CTP, máy và mực in phun công nghiệp, màng chất dẻo đa lớp cản khí cao – những sản phẩm đòi hỏi chuyên môn và tay nghề cao. Quyết tâm vượt qua khó khăn, ông đã đưa Tập đoàn Mỹ Lan trở thành một trong những tập đoàn lớn, là đối tác tin cậy của hơn 40 quốc gia.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Mỹ Lan đã trở thành một “thung lũng quang điện tử” công nghệ cao trên thế giới, có trụ sở tại một tỉnh lỵ của vùng sông nước Cửu Long. Năm 2016, ông Mỹ thành lập thêm 3 công ty mới là Rynan Agrifoods, Rynan Technologies, Rynan Smart Fertilizers cũng thuộc Tập đoàn Mỹ Lan, nằm tại cù lao Long Trị (TP Trà Vinh) chuyên ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: sản xuất phân bón thông minh, thiết bị internet vạn vật như ổ khóa thông minh, đồng hồ nước và thương mại điện tử.

 

Làm phao quan trắc nước mặn, phân bón thông minh

Nếu trước đây, người dân sống trong vùng hạn mặn phải nếm thử độ mặn của nước, hoặc nhà nào khá thì mua một máy đo độ mặn để kiểm tra nguồn nước trước khi tưới cho vườn cây ăn trái, thì ngày nay, họ chỉ cần ngồi tại nhà, xem các chỉ số pH, độ mặn, nhiệt độ… trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Nhớ đợt hạn mặn năm 2016, bên dòng cù lao Long Trị, những rặng dừa nước từ màu xanh chuyển sang nâu vì nước bị xâm nhập mặn nặng. Hàng ngàn hộ dân đi đổi nước ngọt để sinh hoạt, phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Nguồn nước bị nhiễm mặn nhưng người dân không biết đã tưới cho vườn cây nên gây thiệt hại nặng nề.

Phao quan trắc nước mặn được hình thành từ ý tưởng của ông Mỹ

Từ thực tiễn đó, ông Mỹ muốn ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người dân canh tác thích ứng với xâm nhập mặn từ trồng trọt đến nuôi trồng thủy hải sản. Ông cùng với đội ngũ kỹ sư là người Trà Vinh mất hàng tháng trời để nghiên cứu ra phao quan trắc mặn ngọt. Phao được đặt dưới sông, trong phao có hệ thống cảm biến sẽ chuyển tải các dữ liệu về điện thoại thông minh qua một phần mềm được cài đặt trên điện thoại. Khi đó, người dân có thể xác định thời điểm thích hợp để chủ động bơm nước khi độ mặn thấp hơn ngưỡng thông số đã được cài đặt trước đó, mà không cần phải dùng các biện pháp thủ công như trước đây.

Bà Đinh Thị Phượng (nông dân trồng hoa ở ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, TP Trà Vinh) vui mừng nói: “Mấy mùa nước mặn thì cứ phập phồng lo sợ, do cây kiểng rất mẫn cảm với nước mặn. Nhưng từ khi sử dụng phao cảm biến mặn ngọt, giờ tôi thấy an tâm hơn, biết được khi nào con nước ngọt, con nước mặn để chủ động bơm trữ nước tưới hoa, vừa an tâm, vừa tiết kiệm thời gian, công sức…”.

Nhiều năm trở lại đây, nông dân miền Tây biết đến một loại phân bón tan chậm, hay còn gọi là phân bón thông minh mà “nhạc trưởng” nghiên cứu ra là ông Nguyễn Thanh Mỹ. Sau khi sử dụng, nước thẩm thấu qua màng phủ vào bên trong và hòa tan phân từ từ. Tùy theo loại cây trồng, phân bón thông minh được sản xuất có thời gian phân tán hết khoáng chất từ 1-12 tháng hoặc lâu hơn cho cây từ lúc giao hạt đến thu hoạch. Năm 2017, loại phân bón này đã được thực nghiệm trên diện tích 200ha lúa tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật và sử dụng phân bón thông minh hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, giúp nông dân giảm lượng giống, phân bón, ngày công lao động và có nhiều ưu thế về mặt thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhiều nông dân phấn khởi cho biết, sử dụng phân bón thông minh cho năng suất khoảng 1 tấn/công. Do sử dụng phân thông minh trong canh tác lúa nên đỡ vất vả hơn do tiết kiệm công lao động trong khi năng suất và chất lượng hạt lúa đảm bảo, đặc biệt giảm công rải phân, giảm sâu bệnh, cứng cây, ít đổ ngã…

Kỹ sư Hồng Quốc Cường, người trực tiếp tham gia các dự án với “nhạc trưởng” Nguyễn Thanh Mỹ, chia sẻ: “Mỗi khi làm việc gì, chú yêu cầu trước tiên phải nghĩ đến lợi ích của nông dân, bởi họ chịu nhiều thiệt thòi. Chú yêu cầu làm con cảm biến sống hoài, chứ không phải mỗi năm thay một lần”. Chính vì thế, thời hạn sử dụng của phao quan trắc có tuổi thọ dài hơn, chất lượng hơn so với những con cảm biến của nước ngoài sản xuất. Hay mới đây, “mô thức tôm oxy” do ông Mỹ nghiên cứu vừa được ứng dụng tại Trà Vinh và nhiều tỉnh thành khác, giúp người dân tiếp cận được các kỹ thuật nuôi tôm hiện đại, tiết kiệm được tài nguyên đất, nước, điện và giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất so với cách nuôi tôm truyền thống.

 

Tính đến năm 2016, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã sáng lập và đồng sáng lập 8 doanh nghiệp, trong đó 6 doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh Trà Vinh như Công ty TNHH RYNAN Smart Fertilizers, Công ty CP RYNAN AgriFoods, Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam, Công ty CP Mylan Quang Điện Tử, Công ty TNHH Sản xuất Vật tư ngành in Mỹ Lan, Công ty CP Mỹ Lan.

Ông từng đạt danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008, giải thưởng của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, bằng khen của Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương các năm 2004, 2005, 2006; bằng khen của UBND tỉnh Trà Vinh các năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011 và 2012; giải vàng về công nghệ sáng tạo do Phòng Thương mại Canada trao tặng năm 2002; Giải vàng về công nghệ sản xuất hiệu quả do Phòng Thương mại Canada trao tặng năm 2004; giải bạc Công nghệ tiên tiến của Công ty Dainippon Ink and Chemicals (Nhật Bản) năm 1997; giải thưởng Thành tựu phát minh của Công ty Sun Chemical (Hoa Kỳ) năm 1995 và 1996.

PHAN HUY

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dau-dau-dua-cong-nghe-tien-tien-ve-que-huong-post719867.html