Sự kiện

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật

ĐTO – Nhờ tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc, trong cuộc sống, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Người dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi từ “Nông nghiệp truyền thống” sang “Nông nghiệp hiện đại”.


Nhân viên Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam hướng dẫn ứng dụng nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh 
tại hội nghị trực tuyến cập nhật kiến thức chuyển đổi số ngành nông nghiệp đến cấp ủy địa phương, ngày 1/6

Đến nay, 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ người dân và phát triển kinh tế – xã hội; có 89,8% thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP, giúp cho việc truy xuất, quản lý sản phẩm được công nhận hiệu quả hơn (hiện tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, 1 sản phẩm đạt 5 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 275 sản phẩm đạt 3 sao).

Toàn tỉnh đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước thông minh; 15 trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ cho công tác triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ IOT, trí tuệ nhân tạo AI trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc.

Tính đến tháng 7/2023, tỉnh có 1.006 mã vùng trồng với diện tích 79.044,49 ha được phê duyệt phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa và 7 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tỉnh cũng triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng thực hiện. Toàn bộ dữ liệu quản lý truy xuất nguồn gốc đều được tích hợp, quản lý trên nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Trên địa bàn tỉnh có 22 hội quán, 33 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới phun tự động, tưới ngập khô xen kẽ…).

Một trong những kết quả của tỉnh được đánh giá vượt bậc so với các địa phương khác trong vùng là xây dựng và đưa và đưa vào vận hành Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các địa phương tiến hành nhập dữ liệu, báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quí để từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã), hướng đến phát triển cơ sở dự liệu lớn của ngành và kết nối, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

TN

Nguồn: https://www.baodongthap.vn/giam-ngheo-ve-thong-tin/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-117816.aspx