Tin tức

Bài học chuyển đổi số nông nghiệp từ Rynan Technologies Việt Nam

Giám đốc Rynan cho biết chuyển đổi số trong nông nghiệp nên tập trung vào dữ liệu, quy trình và quản lý số, trong diễn đàn VFTE ngày 8/12.

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV (VFTE 2022) thu hút gần 1.000 lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành, doanh nghiệp. Trình bày tại diễn đàn, ông Hồng Quốc Cường, Giám đốc kỹ thuật Công ty Rynan Technologies mang tới bài tham luận với chủ đề: “Khát vọng phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam giải quyết bài toán nông nghiệp thông minh”.

Ông Cường cho biết hiện đơn vị tập trung phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam VDAPES; nghiên cứu và sản xuất các thiết bị thông minh IoT ứng dụng trong nông nghiệp và thuỷ sản; cung cấp các chuỗi giải pháp truy xuất nguồn gốc; giải pháp tự động hoá dây chuyền sản xuất trong nhà máy.

Theo kinh nghiệm từ Rynan Technologies, chuyển đổi số trong nông nghiệp gồm ba bước: số hoá dữ liệu, số hoá quy trình và quản lý số. Quá trình này giúp tạo giá trị mới, giảm giá thành, tăng chất lượng nông sản, tăng sự hài lòng của người tiêu dùng.

Ông Hồng Quốc Cường nêu các giải pháp nổi bật từ Rynan Technologies. Ảnh: Đình Tùng

Với dịch vụ điện toán đám mây nông nghiệp số, công ty ứng dụng sử dụng các vệ tinh giám sát từ các tổ chức châu Âu, kết hợp mạng lưới thiết bị IoT để tối ưu hoá quy trình, mang lại độ chính xác cao trong nông nghiệp. Hiện đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây cộng đồng, đám mây công nghiệp, đám mây doanh nghiệp và đám mây kết hợp. Hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam của Rynan Technologies gồm: thiết bị IT và thiết bị IoT cho thuê hay bán; Traceme, Tomgoxy, Rynan Mekong.

Nhờ hệ sinh thái đa dạng đó, doanh nghiệp có nhiều giải pháp phù hợp từng nhu cầu, đặc điểm địa phương trong canh tác nông nghiệp. Đơn cử, ứng dụng di động Rynan Mekong với các phao và trạm quan trắc xâm nhập mặn, giám sát lũ thông minh (hiện áp dụng tại Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang…). Bên cạnh đó là các trạm giám sát sâu rầy thông minh (vận hành tại Nghệ An, Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng…).

“Với thế mạnh trên, công ty kỳ vọng sẽ xây dựng được bản đồ sâu hại và thiên địch học cho Việt Nam, giúp người dân có thể ứng dụng các công nghệ phun đúng thời điểm, đúng liều lượng, mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp”, ông Cường nói.

Chuỗi sản phẩm tiếp theo của doanh nghiệp là giải pháp truy xuất nguồn gốc với ứng dụng mã vạch QR code trên bao bì sản phẩm.

Ông Hồng Quốc Cường trong phiên thảo luận. Ảnh: Đình Tùng

Ngoài bài tham luận, ông Hồng Quốc Cường còn dự phiên đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bộ, đại diện hiệp hội. Từ kinh nghiệm phát triển công ty, ông đưa ra nhiều lời khuyên cho cộng đồng startup.

Thứ nhất, các ứng công nghệ vào nông nghiệp rất đa dạng nhưng để triển khai thì nhiều khó khăn. Do đó, các giải pháp của startup phải cụ thể, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn. Ông dẫn ví dụ từ Rynan Technologies, khi cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh cho bà con đồng bằng Sông Cửu Long, công ty phải nhập cảm ứng từ Mỹ, Nhật về với chi phí cao. Dù muốn mô hình kinh doanh được nhân rộng, nhưng công ty nhận ra các thiết bị này áp dụng không hiệu quả vì nước giàu phù sa, cảm ứng mau hỏng.

Từ đó, các kỹ sư của Rynan Technologies phải tìm giải pháp mới, thiết kế cảm ứng mới để dễ vệ sinh, bền bỉ, phù hợp với thời tiết. Đó là điều kiện để ra đời ý tưởng đột phá, đổi mới sáng tạo.

Ông cũng khuyên startup trong chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào, canh tác, thu gom, chế biến cần xác định cụ thể đối tượng khách hàng, để từ đó có mô hình kinh doanh phù hợp.

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột – Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Chương trình có ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.

Minh Tú

Nguồn https://vnexpress.net/bai-hoc-chuyen-doi-so-nong-nghiep-tu-rynan-technologies-4548326.html?gidzl=aBig4Sa6bNwIeYiLoXcKS9sYAXpSJfHoWAKk6jjAbdM1fIWUZnt4TTEaU1wC7S8bWVCh6pDlYezTpW2MUm