Blog

Tiện ích của Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Một trong những kết quả chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là vượt bậc so với các địa phương khác trong vùng là xây dựng và đưa vào vận hành Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh (nền tảng) tại địa chỉ VDAPES.COM. Nền tảng đáp ứng đầy đủ khung kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp, cũng như khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0. Nền tảng gồm phân hệ chính: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; thủy sản; thủy lợi; lâm nghiệp; phát triển nông thôn, đem đến cho người sử dụng nhiều tiện ích.


Nhân viên Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam (giữa) giới thiệu Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Phân hệ trồng trọt và bảo vệ thực vật

Nền tảng tích hợp dữ liệu từ mạng lưới giám sát côn trùng thông minh, thống kê số lượng côn trùng (sâu hại, thiên địch, vô hại) có tại vị trí lắp đặt trạm được nhận dạng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI – ARTIFICIAL INTELLIGENC), trực quan dưới dạng biểu đồ và bảng biểu. Số lượng côn trùng được thống kê theo các mốc thời gian: đêm, ngày, tháng, năm. Ngoài ra, thiết bị còn tích hợp thu thập các dữ liệu về thông số môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió.

Đối với quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc nông sản, phân hệ quản lý danh sách thông tin vùng trồng và mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu, danh sách thông tin cơ sở và mã số cơ sở đóng gói được cấp tại tỉnh Đồng Tháp, quản lý quy trình đăng ký, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được thực hiện trực tiếp trên nền tảng từ bước gửi hồ sơ đến kiểm tra và cấp kết quả cuối cùng. Những dữ liệu có thể chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Phân hệ có chức năng thống kê canh tác và giai đoạn sinh trưởng lúa thông qua dữ liệu phân tích từ hình ảnh viễn thám: ứng dụng công nghệ viễn thám thu thập thông tin về bề mặt trái đất từ nguồn vệ tinh châu Âu như Sentinel-1, bằng các giải thuật đã phát triển thực hiện giải đoán xử lý dữ liệu nhằm đưa ra báo cáo về hiện trạng sử dụng đất và giai đoạn sinh trưởng lúa mỗi 12 ngày/lần. Đối với hiện trạng sử dụng đất, phân hệ cung cấp bản đồ hiện trạng sử dụng đất, các biểu đồ thống kê trực quan diện tích canh tác, bảng dữ liệu thống kê mục đích sử dụng đất, xuất báo cáo hiện trạng sử dụng đất được phân tích theo dữ liệu ô bao, xã, huyện, tỉnh dựa vào mốc thời gian đã chọn.

Ngoài ra, phân hệ số hóa và quản lý các dữ liệu về cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP, dữ liệu cửa hàng vật tư nông nghiệp, dữ liệu về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được phép sử dụng và không được phép sử dụng tại Việt Nam với các thông tin cụ thể và chi tiết thể hiện dưới dạng danh sách quản lý. Những dữ liệu của phân hệ này có thể chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Phân hệ quản lý báo cáo cấp xã, huyện, tỉnh về thống kê diện tích gieo trồng, diện tích thu hoạch và năng suất, sản lượng cây lâu năm, hoa màu và lúa, giá trị sản xuất ngành trồng trọt,…

Các dữ liệu có thể chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật.


Trạm quan sát sâu rầy thông minh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) (Ảnh: MỸ  NHÂN) 

Chăn nuôi, thú y

Quản lý dữ liệu lĩnh vực chăn nuôi – thú y quản lý danh sách số liệu về hộ chăn nuôi với hơn 30 đối tượng nuôi, dữ liệu được liên kết với tính năng báo cáo định kỳ hỗ trợ tự động xây dựng file báo cáo dựa vào dữ liệu hộ nuôi người dùng đã nhập.

Phân hệ quản lý dữ liệu chăn nuôi – thú y dưới dạng danh sách đối với các dữ liệu: tiêm phòng vaccine; kiểm soát giết mổ; công bố sản phẩm hợp quy; chứng chỉ hành nghề thú y; danh mục thuốc thú y; bệnh động vật; danh mục chế phẩm sinh học; cơ sở cung cấp tinh heo giống; cơ sở cung cấp sản phẩm chủ lực ngành chăn nuôi; cơ sở cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y; cơ sở buôn bán thuốc thú y; cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh.

Nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, các dữ liệu thuộc lĩnh vực chăn nuôi – thú y sẵn sàng kết nối, chia sẻ, tích hợp với dữ liệu Cục Chăn nuôi và Cục Thú y.

Thủy sản

Phân hệ thủy sản quản lý bản đồ vị trí phân bố chính xác và danh sách dữ liệu thống kê cơ sở nuôi trồng thủy sản chủ lực theo dữ liệu thực.

Phân hệ quản lý danh sách dữ liệu thuộc lĩnh vực thủy sản về giống thủy sản, dịch bệnh thủy sản, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản cũng như các dữ liệu báo cáo định kỳ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh về diện tích thả nuôi, diện tích thu hoạch và sản lượng thủy sản; giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản,…

Các dữ liệu quản lý lĩnh vực thủy sản sẵn sàng kết nối, chia sẻ, tích hợp với dữ liệu của Cục Thủy sản.

Phát triển nông thôn

Nền tảng quản lý dữ liệu ngành phát triển nông thôn, thống kê số liệu liên quan đến ngành qua các mốc thời gian báo cáo cố định dưới dạng biểu đồ trực quan. Thông qua dữ liệu quản lý tại nền tảng, người dùng có thể dễ dàng cập nhật các dữ liệu, nắm chính xác danh sách thông tin cũng như vị trí định vị của các đối tượng được quản lý, bao gồm: hợp tác xã, hội quán, sản phẩm OCOP, nông thôn mới, làng nghề, tổ hợp tác, trang trại, di dân và sạt lở, đào tạo nghề nông thôn. Đây cũng là các dữ liệu có thể chia sẻ và tích hợp với dữ liệu quốc gia về quản lý lĩnh vực phát triển nông thôn.

Nền tảng xây dựng quy trình đánh giá nông thôn mới trên nhu cầu thực tế về ứng dụng công nghệ số. Phân hệ cấp quyền tham gia cụ thể đối với chủ thể thực hiện các bước từ đăng ký, đánh giá đến trả kết quả công nhận cuối cùng, giúp cho việc thực hiện chương trình nông thôn mới diễn ra một cách thuận tiện. Phân hệ đánh giá nông thôn mới hỗ trợ người dùng thực hiện quy trình đăng ký xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao; quản lý việc đánh giá nông thôn mới thông qua nội dung bộ tiêu chí theo quy định của pháp luật.

Các dữ liệu có thể chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Riêng dữ liệu về OCOP có thể chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Thủy Lợi

Phân hệ thủy lợi giúp quản lý dữ liệu lĩnh vực thủy lợi của toàn tỉnh; hỗ trợ số hóa dữ liệu tổng quan bản đồ về vị trí các đối tượng trong lĩnh vực (ô bao, kênh rạch, cống, trạm bơm, sạt lở sụt lún, bờ kè, công trình thủy lợi, đê điều, cảnh báo lũ theo ô bao,…); quản lý dữ liệu trạm quan trắc nước thông minh; quản lý dữ liệu về ô bao, kênh rạch, cống, trạm bơm, sạt lở sụt lún, bờ kè, thiệt hại do thiên tai, bản tin cho người dân, công trình thủy lợi, đê điều, mực nước lũ, vùng ảnh hưởng bởi thiên tai,…

Phân hệ này cũng tích hợp dữ liệu từ mạng lưới quan trắc nước thông minh, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển trên nền tảng Internet vạn vật (IoT – Internet Of Things) hỗ trợ số hóa trong quy trình, thu thập dữ liệu thực (real time). Tính năng sẽ cung cấp cho người dùng các thông tin về bản đồ vị trí lắp đặt trạm quan trắc nước, biểu đồ trực quan số liệu chỉ tiêu chất lượng nước (mực nước, độ mặn, độ pH, độ kiềm, COD/BOD), bảng dữ liệu thống kê số liệu chất lượng nước, hình ảnh lắp đặt thực tế trong địa bàn tỉnh, dự báo chính xác về số liệu, trực quan về hình ảnh.

Ngoài ra, phân hệ còn giúp theo dõi tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh thông qua tính năng thống kê thiệt hại do thiên tai giúp cán bộ thống kê, truy xuất dữ liệu và đưa ra những dự báo, hướng khắc phục, kịp thời gửi đến người dân các thông tin bổ ích về thủy lợi, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân.

Các dữ liệu lĩnh vực thủy lợi sẵn sàng chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Thủy lợi.

Lâm nghiệp

Phân hệ thống kê dữ liệu toàn lĩnh vực; tổng quan bản đồ về diện tích rừng; quản lý dữ liệu về cơ sở kinh doanh chế biến gỗ, cơ sở nuôi động vật hoang dã, giống cây lâm nghiệp, rừng sản xuất, khai thác lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, báo cáo định kỳ kết quả sản xuất ngành lâm nghiệp,…

Ngoài ra, phân hệ ứng dụng công nghệ viễn thám, phân tích và xử lý dữ liệu về diện tích rừng theo các mốc thời gian thực, dữ liệu được cập nhật thường xuyên (12 ngày/lần) và trả kết quả thống kê dưới dạng biểu đồ và bảng thống kê về số liệu diện tích có rừng, diện tích đất trống, diện tích ngập nước và độ che phủ rừng của các cánh rừng có trên địa bàn tỉnh.

Các dữ liệu lĩnh vực lâm nghiệp sẵn sàng chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Cục Kiểm lâm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá cao sự chủ động, ghi nhận Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp do UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về NN&PTNT các cấp ở địa phương triển khai, áp dụng thực tế và mang lại hiệu quả nhất định trong nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số đối với lực lượng lãnh đạo, công chức của nhiều đơn vị hành chính thuộc tỉnh. Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan để xây dựng, công bố nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

TN

Nguồn: https://baodongthap.vn/giam-ngheo-thong-tin/tien-ich-cua-nen-tang-du-lieu-so-ve-nong-nghiep-tinh-dong-thap-127901.aspx