Blog

Nông dân phấn khởi qua vụ lúa đầu tiên trong Đề án 01 triệu héc-ta

Năm 2024, Trà Vinh có 02 Hợp tác xã (HTX): HTX nông nghiệp Phát Tài và HTX nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành được chọn thí điểm thực hiện mô hình Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh và được người dân đồng tình cao, tham gia tích cực vào mô hình.

Lãnh đạo huyện Châu Thành tham quan mô hình lúa phát thải thấp tại HTX nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ.

 

Đến nay, qua sơ kết đánh giá 02 mô hình bước đầu đạt hiệu quả cao, diện tích tham gia sản xuất của 02 hợp tác xã gần 98,4ha của 98 hộ dân tham gia sử dụng lúa giống ST24, cấp giống xác nhận 1, thời gian sinh trưởng 105 ngày và giống OM5451, cấp giống xác nhận 1, thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày.

Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết: diện tích tham gia thực hiện mô hình 48,4ha của 48 hộ, sử dụng giống OM5451. Thời gian tham gia thực hiện mô hình năm 2024 là 03 vụ: hè – thu, thu – đông và đông – xuân 2024 – 2025.

Đến nay, kết quả sơ bộ của mô hình vụ hè – thu 2024, áp dụng sạ hàng với lượng giống gieo sạ bình quân 70kg/ha, giảm 100kg/ha so tập quán canh tác bên ngoài; lượng phân bón nguyên chất sử dụng 72kg N – 42,1kg P2O5 – 35,6kg K2O (giảm 20% lượng phân hóa học so tập quán canh tác bên ngoài), giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 02 lần/vụ; quản lý nước ngập khô xen kẽ. Tiến hành rút nước 03 lần/vụ (lần 01: 01 – 06 ngày sau sạ, lần 02: 28 – 36 ngày sau sạ, lần 3: 07 – 12 ngày trước thu hoạch).

Hiện nay lúa giai đoạn chín (85 ngày sau sạ); nhờ sạ thưa lúa không bị đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc cao, ít hạt lép, trọng lượng hạt nặng nên năng suất ước đạt 6,3 tấn/ha (tăng 0,3 tấn/ha so bên ngoài). Tổng chi phí đầu tư 22,3 triệu đồng/ha (giảm trên 03 triệu đồng/ha so bên ngoài); doanh thu 52,66 triệu đồng/ha (tăng hơn 2,46 triệu đồng so với bên ngoài). Lợi nhuận bình quân 30,36 triệu đồng/ha (tăng hơn 05 triệu đồng so với bên ngoài).

Nông dân Võ Minh Liệt, ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ là một trong những hộ dân tham gia thực hiện thí điểm mô hình cho biết: tham gia đề án nông dân không chỉ được hỗ trợ 50% giống lúa, phân bón, kỹ thuật canh tác lúa, còn hỗ trợ sau thu hoạch về đầu ra sản phẩm, việc thu gom rơm rạ nhằm phát thải thấp, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng tránh ô nhiễm môi trường cho vụ kế tiếp.

Đặc biệt là tham gia mô hình, quy trình canh tác lúa giảm nhiều chi phí đầu tư ban đầu, nhất là áp dụng phương pháp sạ lúa thưa nên giảm lúa giống, phân bón, thuốc, bảo vệ thực vật. Quan trọng lúa ít bị ngã đổ, năng suất cao. Với 0,7ha lúa tham gia thực hiện đề án, sản lượng đạt gần 05 tấn, giá bán hiện nay 8.400 – 8.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 20 triệu đồng. Hơn nữa là chất lượng lúa nâng cao được thương lái ưa chuộng.

Theo ông Liệt, trong quá trình tham gia Đề án, ngoài việc được hỗ trợ đầu vào, đầu ra, các thành viên được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật, góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người dân về việc sản xuất lúa theo chủ trương Đề án 01 triệu héc-ta, đồng thời giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để áp dụng vào sản xuất thực tế đã mang lại hiệu quả.

Ông Trần Văn Chung cho biết thêm: bước đầu khi tham gia thực hiện mô hình Đề án 01 triệu héc-ta người dân gặp nhiều bỡ ngỡ nên công tác vận động còn khó khăn. Sau khi thực hiện vụ lúa đầu tiên (vụ hè – thu), năng suất và chất lượng nâng cao, giá lúa tăng cao nên người dân rất phấn khởi đăng ký tham gia nhiều hơn cho vụ lúa tiếp theo. Thời gian tới, HTX mong muốn các sở, ngành tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vào vùng nguyên liệu lúa để thương lái thuận lợi thu mua giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; đồng thời HTX mở rộng vùng sản xuất vụ lúa thu – đông lên 500ha và liên kết với doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho nông dân.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thời gian triển khai mô hình quá gấp rút (cận ngày xuống giống) nên gặp lúng túng trong việc phối hợp hỗ trợ cho 02 HTX tham gia thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, hiểu biết của nông dân về Đề án còn hạn chế, một số hộ dân còn sản xuất theo tập quán cũ và có tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, qua kết quả bước đầu triển khai thực hiện 02 mô hình đã giảm nhiều chi phí đầu vào nhờ giảm lượng giống sử dụng khoảng 60%, giảm phân bón hóa học 20 – 30% và giảm chi phí thuốc bảo vệ, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 02 lần/vụ, giảm nhân công lao động, trong khi năng suất lúa tăng khoảng 05% so với ngoài mô hình; lợi nhuận của mô hình tăng thêm từ 5,65 – 7,65 triệu đồng/ha, tăng chất lượng lúa gạo, giảm được lượng phát thải góp phần bảo vệ môi trường và phát triển theo hướng bền vững.

Hướng tới, việc thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan xây dựng thêm mỗi huyện ít nhất 01 mô hình trình diễn quy mô tối thiểu 50ha/mô hình.

Kế hoạch thực hiện mô hình vụ thu – đông 2024, toàn tỉnh dự kiến có 08 mô hình (02 mô hình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hỗ trợ, 06 mô hình do 06 huyện đầu tư hỗ trợ), diện tích bình quân 50ha/mô hình. Dự ước trong vụ thu – đông 2024 có khoảng 400ha, năng suất dự kiến khoảng 06 tấn/ha, sản lượng 2.400 tấn. Lịch xuống giống từ ngày 10 – 25/9/2024.

HỆ THỐNG GIÁM SÁT KHÍ METHANE THÔNG MINH – RYNAN MEMS https://rynantech.vn/product/he-thong-giam-sat-khi-methane-thong-minh-rynan-mems/

Đồng thời kêu gọi doanh nghiệp hợp đồng đầu tư và tiêu thụ lúa gạo tại các mô hình trình diễn. Tiếp tục phối hợp Viện Môi trường Nông nghiệp và Công ty Cổ phần Rynan Technologies VietNam lắp đặt các bồn đo khí phát thải tại 02 mô hình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư làm cơ sở tính lượng phát thải đối với diện tích sản xuất lúa áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nong-dan-phan-khoi-qua-vu-lua-dau-tien-trong-de-an-01-trieu-hec-ta-39744.html