Blog

Đưa tư duy ‘ngoài khung’ vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sang thế giới sinh học, vi sinh, lợi khuẩn gắn với sức sống con tôm thẻ đã là một bước đi ‘vượt khung’ của TS. Nguyễn Thanh Mỹ.

Sau hơn 25 năm sinh sống và làm việc tại Bắc Mỹ, TS. Nguyễn Thanh Mỹ trở về quê hương Trà Vinh vào năm 2004 để thành lập Mylan Group.

Sau gần 10 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở tuổi 60 và gặt hái nhiều thành tựu nhờ tư duy “ngoài khung”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty RYNAN Holdings JSC, vẫn đau đáu tìm những giải pháp giúp nông dân miền Tây quê mình đỡ vất vả.

Làm nông nghiệp công nghệ cao để giải quyết nhu cầu cấp bách của nông dân

Nói về công nghệ cao, chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngữ điệu của nhà khoa học đã qua tuổi lục tuần lại đầy sôi nổi, nhiệt huyết. TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ câu chuyện đầu tiên về mối duyên lành với nông nghiệp bằng quyết định “khởi nghiệp”.

Sau hơn 25 năm sinh sống và làm việc tại Bắc Mỹ, TS. Nguyễn Thanh Mỹ trở về quê hương Trà Vinh vào năm 2004 để thành lập Mylan Group, chuyên về mảng hóa chất và vật liệu cao cấp trong ngành in. Đây là công ty công nghệ cao đầu tiên của một trong những tỉnh nghèo nhất ĐBSCL lúc bấy giờ. Cuối năm 2015, ông công bố nghỉ hưu tại tập đoàn này.

Từ gợi ý của người con trai cả về việc đầu tư vào nông nghiệp thông minh trong khi nhận thấy cây cối ở quê nhà (cù lao Long Trị) dần chuyển sang màu nâu do nước sông nhiễm mặn, đầu năm 2016, ông Mỹ thành lập RYNAN Technologies Vietnam. Công ty chuyên về nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các thiết bị liên quan đến quan trắc chất lượng nước, như: phao quan trắc nước, bơm thông minh, cảm ứng đo mực nước…

Ông Mỹ cho biết, với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), hiện công ty đã triển khai được khoảng 100 trạm phao và trạm quan trắc xâm nhập mặn, giám sát lũ thông minh tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh khác.

“Thay vì đo độ mặn của nước bằng các dụng cụ thủ công, mất thời gian và thiếu hiệu quả, hệ thống quan trắc được lắp đặt giúp người dân Trà Vinh sử dụng ứng dụng di động để theo dõi liên tục, chính xác và dự báo tình hình xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại và các vấn đề nghiêm trọng do thiếu nước”, ông Mỹ tự hào chia sẻ.

Bản đồ giám sát côn trùng được xây dựng chủ yếu dựa trên việc thu thập dữ liệu sâu hại và thiên địch hằng ngày từ các trạm giám sát côn trùng thông minh (IMS), lắp đặt trên ruộng lúa, vườn cây ăn trái và rừng cây công nghiệp.

Bản đồ giám sát côn trùng được xây dựng chủ yếu dựa trên việc thu thập dữ liệu sâu hại và thiên địch hằng ngày từ các trạm giám sát côn trùng thông minh (IMS), lắp đặt trên ruộng lúa, vườn cây ăn trái và rừng cây công nghiệp.

Sau đó, ông Mỹ dẫn dắt RYNAN đến dự án tiếp theo là xây dựng hệ thống giám sát côn trùng thông minh theo chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Trạm giám sát côn trùng thông minh do RYNAN phát triển ứng dụng AI để tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch vô hại và tự động đưa ra các cảnh báo, dự báo sâu rầy. Hiện tại, công ty có gần 140 trạm giám sát côn trùng thông minh được lắp đặt tại các tỉnh ĐBSCL, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh,… đồng thời đã lắp đặt 52 trạm tại Nhật Bản và 1 trạm tại Thái Lan và đang tiếp tục triển khai thêm tại các điểm khác ở Nhật Bản và Thái Lan.

Với những dự án đầu tiên, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nhận ra rằng, khi dấn thân vào con đường nông nghiệp thông minh là hướng tới giải quyết những nhu cầu cấp bách của nông dân. Như vậy, với “cú hích” từ Nhà nước, doanh nghiệp có thể bắt tay để phát triển những mô hình, mạng lưới có thể tự vận hành, “tự nuôi” nhằm phục vụ lâu dài cho nông dân.

“Người ngoài khung” muốn truyền thông đúng để đưa công nghệ vào nông nghiệp

Bước chân từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sang thế giới sinh học, vi sinh, lợi khuẩn… gắn với sức sống con tôm thẻ đã là một bước đi “vượt khung” của TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Điều này xuất phát từ lần đầu vào trại tôm của một doanh nghiệp và nhận ra mô hình bất cập với “1 tấn tôm sử dụng 9.000 khối nước, 6.000 kW điện” và chưa có phương án tách chất thải khỏi nước.

Theo đó, ông Mỹ cùng các kỹ sư đã nghiên cứu phương án nuôi tôm theo công nghệ TOMGOXY, giúp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên như đất, nước, năng lượng, đồng thời giảm thiểu khí nhà kính thông qua trồng cây đước.

Nếu như trước đây, nông dân bỏ đước để lấy diện tích xây ao nuôi tôm, thì với mô hình mới từ doanh nghiệp mà ông Mỹ cùng hợp tác phát triển công nghệ, nông dân có thể hướng tới nuôi trồng tôm “đạo đức”, thân thiện với môi trường hơn.

“Đó là cả quá trình dày công nghiên cứu, ăn ngủ cùng tôm của 83 kỹ sư trong 6 tháng, công nghệ TOMGOXY ra đời giúp giảm tiêu hao năng lượng xuống còn 1/3, đảm bảo chất lượng tôm nhờ làm giàu oxy với oxy tinh khiết và không gây phát thải khí nhà kính”, ông Mỹ chia sẻ.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ tham gia nghiên cứu và phát triển mô thức Tomgoxy, nuôi tôm 'đạo đức' giúp tiết kiện năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. 

TS. Nguyễn Thanh Mỹ tham gia nghiên cứu và phát triển mô thức Tomgoxy, nuôi tôm “đạo đức” giúp tiết kiện năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh những thành quả này, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cũng chia sẻ hoài vọng về một số dự án AI cho ngành nông nghiệp như xây dựng bản đồ côn trùng cho thế giới để tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tham gia xây dựng công cụ đo đạc khí metan trên ruộng kết hợp dữ liệu vệ tinh… Với những ý tưởng này, ông Mỹ mong muốn có thể biến những gì không thể nhìn thấy thành thứ có thể nhìn thấy, từ đó giúp nông dân kiếm thêm tiền từ việc làm nông.

Tuy nhiên, theo ông Mỹ, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc về cơ chế và chính sách. Lời khuyên khởi nghiệp từ doanh nhân đã có hàng chục năm kinh nghiệm cho thấy, mô hình khởi nghiệp nông nghiệp muốn thành công cần sự hợp tác hiệu quả với khu vực công và đặt mục tiêu hướng tới lợi ích cộng đồng thay vì mục đích kinh tế.

“Nông dân nên là người thụ hưởng từ nông nghiệp công nghệ cao. Với sứ mệnh là giúp cho nông dân có đời sống ấm no hơn, sự tham gia của các công ty tư nhân có thể giúp Nhà nước đầu tư hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa khu vực công – tư đang gặp một số hạn chế nhất định cần được tháo gỡ”, ông Mỹ nêu vấn đề.

Trên thực tế, có sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, nông dân được cung cấp thêm thông tin và kỹ năng canh tác, thực hành nông nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp chính là một trong những cầu nối để nông dân tiệm cận với công nghệ mới.

Một khi vấn đề vướng mắc trong cơ chế được tháo gỡ, ông Mỹ cho rằng với khả năng của kỹ sư Việt Nam, và sự giúp sức đầu tư của doanh nghiệp, việc triển khai công nghệ nông nghiệp đến người nông dân thụ hưởng không hề có sự khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng đóng vai trò quyết định khi truyền tải mô hình, ý tưởng của doanh nghiệp đến nông dân. Truyền thông không chỉ là cây cầu giữa doanh nghiệp và người dân, mà còn là công cụ mạnh mẽ để nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức và kêu gọi sự hợp tác từ các bên liên quan.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ vừa nhận bằng Tiến sĩ Luật danh dự của Đại học Concordia (Canada) hồi đầu tháng 6. 

TS. Nguyễn Thanh Mỹ vừa nhận bằng Tiến sĩ Luật danh dự của Đại học Concordia (Canada) hồi đầu tháng 6.

Việc truyền thông hiệu quả giúp người nông dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của công nghệ mới, từ đó thúc đẩy họ áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh vào thực tế sản xuất. Đồng thời, nó cũng giúp doanh nghiệp xây dựng niềm tin và uy tín trong cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng và phát triển.

Với những kiến thức thay đổi thường xuyên nhờ đóng góp của thành tựu khoa học, nghiên cứu, ông Mỹ cho rằng việc tuyên truyền, truyền thông đúng đắn cũng là một yếu tố quyết định trong việc giúp nông dân hiểu về công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ở chiều ngược lại, việc nông dân khi thụ hưởng thành tựu từ công nghệ, chuyển đổi số; đạt hiệu quả trong phát triển nông nghiệp cũng có thể trở thành “chất xúc tác” để thúc đẩy cơ chế mở cửa hơn đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, từ phối hợp với các trường đại học, bắt đầu là trường Đại học Trà Vinh để xây dựng khoa Hóa học ứng dụng, ông Mỹ cho rằng việc thúc đẩy mô hình hợp tác Co-op giữa Viện trường và doanh nghiệp cũng là một hướng đi tốt để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp thể hiện nhu cầu của mình trong việc tìm kiếm nhân sự và tạo môi trường để sinh viên tiếp cận ngành một cách thực tế hơn.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ là Chủ tịch HĐQT MyLan Group; Chủ tịch HĐQT Công ty CP RYNAN Holdings, Khu công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh. Ông là nhà phát minh và đồng phát minh sở hữu trên 600 bằng sáng chế ở Mỹ, Canada, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác.

Ông cũng là đồng tác giả 68 bài báo cáo về hóa học vật liệu trên các tạp chí khoa học ở Mỹ, Anh và Đức. Ngoài ra, ông đảm nhiệm nhiều vai trò khác như ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), cố vấn và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)…

Gần đây, TS. Nguyễn Thanh Mỹ xuất bản cuốn sách “Người ngoài khung – Nghĩ khác làm khác để bền vững” và nhận bằng Tiến sĩ danh dự ngành Luật của Trường Đại học Concordia.

Linh Linh