Blog

Giảm “dấu chân carbon” trong sản xuất tôm, cá

Là lĩnh vực chủ lực của ngành nông nghiệp, ngành thủy sản đã có sự phát triển vượt bậc, mang lại giá trị kinh tế lớn; tuy nhiên, kèm với đó là những tác động không nhỏ đến môi trường. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm “dấu chân carbon”, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Hệ lụy không nhỏ
“Dấu chân carbon” là tổng lượng phát thải khí nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp hoặc dịch vụ của con người (bao gồm cả lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp). Các loại khí nhà kính phát thải (chủ yếu: CO2, CH4, N20, CFCs, 03…) được biểu thị bằng tấn CO2 tương đương mỗi năm. Năm 2019, lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra trên toàn cầu khoảng 54 tỷ tấn CO2. Các hệ thống nông nghiệp thải ra 13,7 tỷ tấn CO2. Còn tại Việt Nam, trung bình giai đoạn 2000- 2020, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, sử dụng đất lượng khí nhà kính phát ra là 96,7 triệu tấn CO2 (khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc – 316,7 triệu tấn CO2). Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022, số đo “dấu chân carbon” của Việt Nam là khoảng 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu. Năng lượng là ngành chiếm hơn 63% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.


Tăng cường giải pháp giảm “dấu chân carbon”, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm tôm sinh thái. Ảnh: Minh Phú

Với ngành tôm, một mũi nhọn của kinh tế thủy sản, những năm gần đây nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do hàm lượng carbon dioxide cao gây ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, tỷ lệ sống của tôm. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể trong việc cắt giảm lượng phát thải khí carbon để phát triển bền vững. Giảm “dấu chân carbon” cho ngành tôm, trong đó có dòng tôm sinh thái là giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, hướng đến phát triển bền vững và có trách nhiệm. Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam dẫn theo các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc phát triển nuôi cá tra đã tạo ra một lượng chất thải rất lớn. Nếu tính mật độ nuôi trung bình là 200 tấn/ha thì lượng xả thải ra môi trường bên ngoài là 320 tấn chất hữu cơ. Như vậy, với lượng cá được sản xuất vào năm ngoái là 1,5 triệu tấn đồng nghĩa đã có 2,4 triệu tấn chất hữu cơ thải ra môi trường. Còn theo một nghiên cứu mới nhất cho thấy, để sản xuất 1 kg cá tra ở trang trại sẽ làm phát sinh 6 – 7 kg khí CO2. Trước đây, có một số đánh giá chung chung là sản xuất 1 kg cá phát thải khoảng 2 kg CO2, nhưng hiện nay theo số liệu mới nhất là khoảng 7 kg. Như vậy, với sản lượng cá tra được sản xuất ra vào năm ngoái là khoảng 1,5 triệu tấn có nghĩa lượng CO2 phát thải ra là khoảng 9 – 10,5 triệu tấn.

Chia sẻ sáng kiến phát triển bền vững

Thông tin từ Tổ chức IDH (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững của Hà Lan), từ ngày 16/9/2023, thuế carbon ở thị trường EU đã có hiệu lực, trong đó đề cập đến lộ trình với từng ngành hàng cụ thể: Từ năm 2026 với xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện, hydro; và dự kiến từ năm 2034 với thủy sản. Khi thực hiện, nhà nhập khẩu EU phải báo cáo phát thải. Trước thực tế này đã đặt ra tầm nhìn, hướng đến ngành thủy sản bền vững với sứ mệnh đo đạc và giảm phát thải cho chuỗi thủy sản. Mục tiêu giảm phát thải 25% năm 2025, đến năm 2030 phát thải carbon trung bình cho thủy sản tại siêu thị là 3 kg CO2/kg cá tra, tôm, cá rô phi.

Tại sự kiện Việt Nam – Hà Lan: Diễn đàn kinh doanh ĐBSCL năm 2024 do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 21/3; các chuyên gia, doanh nghiệp Hà Lan đã đưa ra nhiều giải pháp giúp phát triển chuỗi cung ứng trong ngành thủy sản tại ĐBSCL. Ông Nguyễn Bá Thông, Quản lý chương trình Nuôi trồng Thủy sản của IDH Việt Nam đã chia sẻ về những sáng kiến, nhằm hướng tới cắt giảm lượng khí thải carbon của chuỗi cung ứng tôm và cá tra ở ĐBSCL cũng như đề xuất về các cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai nước.

Theo đó, IDH hợp tác với các đối tác trong việc xây dựng lộ trình giảm phát thải môi trường và công cụ Đánh giá Vòng đời (LCA), nhăm tính toán dấu chân môi trường của các sản phẩm NTTS từ lúc đầu vào cho đến mắt xích bán lẻ. Trên cơ sở đó, chuỗi cung ứng có thể xác định các điểm nóng quan trọng về dấu chân môi trường để triển khai các biện pháp can thiệp khả thi và thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác giữa các bên liên quan. Hiện nay, các chuỗi cung ứng sản phẩm NTTS toàn cầu đang tìm cách giảm tác động, phát thải môi trường và IDH đang thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi này. Tại Việt Nam, IDH ưu tiên hỗ trợ giảm phát thải môi trường cho chuỗi cung ứng tôm và cá tra ở ĐBSCL.

Cùng với đó, tại Diễn đàn kinh doanh ĐBSCL năm 2024 đã có 18 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan ký kết, nhằm giúp ĐBSCL phát triển bền vững; trong đó có nhiều dự án liên quan đến sản xuất tôm và cá tra. Cụ thể như: “Dự án DeltaVax” được ký kết giữa Fresh Studio BV, PHARMAQ, De Heus Vietnam, Đại học Cần Thơ và Fresh Studio Innovations Asia, nhằm chuyển đổi chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL. Dự án tập trung vào việc cải thiện chuỗi giá trị cá tra bằng cách tăng khả năng tiếp cận tiêm chủng, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực NTTS.

Hay Van Oord, Rynan Aquaculture, Larive International và OpenAsia hợp tác phối hợp tiên phong triển khai NTTS dựa vào rừng ngập mặn ở khu vực ĐBSCL, thành lập một địa điểm thử nghiệm và thí điểm chuyên dụng để tối ưu hóa việc áp dụng rừng ngập mặn trong nuôi tôm. Đây là một bước quan trọng nhằm cân bằng năng suất NTTS, bảo tồn rừng ngập mặn, mang lại lợi ích cho cả hệ sinh thái và cộng đồng.

Ngân hàng Phát triển Doanh nhân Hà Lan (FMO) tài trợ khoản vay dự kiến 15 triệu USD cho Công ty CP Camimex triển khai Dự án “Phát triển tôm rừng bền vững DFCD-Camimex”. Camimex sẽ triển khai kế hoạch mở rộng nuôi tôm hữu cơ bằng cách tìm nguồn cung tôm từ thêm 3.000 hộ nuôi tôm rừng ngập mặn, trên diện tích 10.000 ha.

Shrimp Tech Vietnam được hợp tác bởi Larive International, Skretting, TipTopp Aquaculture, RYNAN Smart Aquaculture, ShrimpVet và OpenAsia Group phát triển một dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành tôm ở Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và lợi nhuận của ngành tôm.

Theo đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Bộ NN&PTNT cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở, trang trại nhỏ và vừa tăng cường liên kết hợp tác để tạo ra dòng sản phẩm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có thương hiệu đặc thù của vùng ĐBSCL. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất này truy xuất nguồn gốc và truy xuất “dấu chân carbon” cho các dòng tôm sinh thái, góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng chuỗi cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu đi các thị trường quốc tế

Hồng Hạnh

Nguồn: https://thuysanvietnam.com.vn/giam-dau-chan-carbon-trong-san-xuat-tom-ca/