Blog

Áp dụng khoa học, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao

Không còn cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, ấp Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) áp dụng cơ giới hóa, khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa theo quy trình sản xuất hiện đại.

Một ngày cùng ra đồng với nông dân của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, chúng tôi không khỏi ấn tượng khi không chỉ thanh niên mà cả những lão nông U70 là thành viên hợp tác xã đã biết áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

66 tuổi với 40 năm sản xuất lúa, nay ông Hồ Văn Hướng có thể ngồi ở bất cứ đâu mở điện thoại truy cập ứng dụng Rynan Mekong vào bất cứ thời điểm nào để theo dõi tình hình hoặc lịch sử sâu bệnh trên đồng ruộng.

095540KGO_20240129_Anh Nguyễn Văn Huỳnh xem lấy mẫu phát thải khí nhà kính

Anh Nguyễn Văn Huỳnh (bên trái) – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa xem cán bộ Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long lấy mẫu phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa cho biết cánh đồng được lắp đặt hệ thống giám sát côn trùng thông minh. Nông dân có thể theo dõi thông tin, dữ liệu thông qua điện thoại thông minh mà không cần ra đồng vạch lá tìm bệnh, hay đi bẫy và đếm số lượng côn trùng theo cách truyền thống.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa hiện có 320 thành viên, với 613ha đất sản xuất lúa. Từ năm 2020 đến nay, hợp tác xã chuyển biến rõ nét trong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và là hợp tác xã đi đầu của huyện Tân Hiệp trong thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

095523KGO_20240129_Nông dân truy cập ứng dụng để theo dõi tình hình

Nông dân trong Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa truy cập ứng dụng trên điện thoại thông minh để theo dõi tình hình hoặc lịch sử sâu bệnh trên đồng ruộng.

Lão nông Hồ Văn Hướng được biết đến là nông dân tiên phong trong áp dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Theo ông Hướng, trước đây ông sạ lúa giống từ 50kg/công, dần giảm xuống 40, 30, 22kg/công, nay còn 6kg/công. “Lượng lúa giống giảm nhưng chất lượng nâng lên, cây lúa ít sâu rầy, hạt chắc hơn, lá quang hợp dễ hơn, rễ ăn sâu hơn, không đổ ngã”, ông Hướng nói.

Cũng là lão nông U70, ông Lưu Văn Dai mạnh dạn sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất. Ông Dai nói: “Hồi trước tôi sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bữa bãi, nay được tập huấn nên cây lúa được 40 ngày tôi mới xịt thuốc trừ sâu, tôi cách ly không xịt thuốc trước thu hoạch”.

Ông Dai cho biết nhờ tham gia hợp tác xã thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao, ông được Nhà nước hỗ trợ phân bón, lúa giống, bơm tát chủ động nên giảm chi phí sản xuất. Hiện ông Dai sản xuất 5ha, vụ đông xuân thu lãi 250 triệu đồng.

095501KGO_20240129_Đồng chí Trần Văn Sơn cùng nông dân thăm cánh đồng

Đồng chí Trần Văn Sơn (bìa phải) – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cùng thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa thăm cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao.

Theo anh Nguyễn Văn Huỳnh, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa gieo sạ giống lúa chất lượng cao, bơm tát, bón phân, phun thuốc tập trung và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. “Hợp tác xã thực hiện sạ bụi, sạ cấy, sạ thưa bằng máy, bón phân, xịt thuốc bằng máy bay không người lái. Nông dân áp dụng “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất. Đây cũng là cánh đồng làm điểm lấy mẫu phát thải khí mê tan, các bon trong sản xuất”, anh Huỳnh nói.

Tôi theo chân các nông dân cùng anh Phạm Văn Lam – cán bộ Trung tâm dịch vụ phân tích Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long lấy mẫu phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Anh Lam cho biết: “Thu phát thải nhà kính nhằm đánh giá sự phát thải trong sản xuất nông nghiệp với hai loại chính là khí CO2, CH4. Mỗi ruộng đặt 3 thùng để thu khí 4 lần cách nhau 10 phút, nhằm đánh giá giữa phương pháp sản xuất cải tiến có giảm được lượng phát thải nhà kính so với phương pháp truyền thống hay không”.

095438KGO_20240129_Hệ thống bơm điện giúp chủ động tưới tiêu cánh đồng 613ha

Hệ thống bơm điện giúp thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa chủ động tưới tiêu cánh đồng 613ha.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa đã và đang vận động nông dân không đốt đồng, thu gom rơm để trồng rau màu, trồng nấm, một số để bán đem lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo anh Huỳnh, nông dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, năng suất sẽ giảm nhưng giá lúa chất lượng cao chỉ cao hơn so sản xuất bên ngoài từ 100-200 đồng/kg. Nếu hướng tới tiêu thụ được giá cao thì người dân phấn khởi hơn, tích cực tham gia sản xuất lúa chất lượng cao nhiều hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trần Văn Sơn cho biết: “Xã Tân Hội có 3.966ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đa phần nông dân vẫn gieo sạ 22kg lúa giống/công, chỉ riêng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa sản xuất lúa chất lượng cao gieo sạ 6kg/công. Sắp tới, xã tăng cường vận động nông dân, trước nhất là các hợp tác xã tiết kiệm lượng giống, giúp việc sản xuất giảm chi phí đầu vào”.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/nong-nghiep/ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-san-xuat-lua-chat-luong-cao-18804.html