Đây là chủ đề của Hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023, diễn ra vào sáng ngày 28/4. Chủ đề của hội thảo cũng chính là mục tiêu tỉnh Đồng Tháp hướng đến trong phát triển ngành hàng xoài – ngành hàng chủ lực của địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đã có bước tiến quan trọng, trong đó xoài được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, cả thị trường khó tính; xoài cũng được chế biến để nâng cao giá trị.
Hiện tỉnh Đồng Tháp được cấp 296 mã số vùng trồng xoài (tương ứng 8.228,4 ha). Đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số trong đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc trên nền tảng nông nghiệp số Việt Nam (VDAPES). Đồng thời, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ các kết quả này với doanh nghiệp để cùng nâng cao vị thế ngành hàng xoài.
Thống kê của Cục Trồng trọt, cả nước có hơn 115.000 ha xoài, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm nhiều nhất (49.900 ha), sản lượng 610.000 tấn/năm. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài nhiều nhất ở khu vực này và đứng thứ hai cả nước, sau Sơn La.
Bên cạnh thành tựu đạt được, ngành hàng xoài nói chung còn không ít hạn chế. Điển hình, sản xuất xoài còn manh mún, phân tán, gây khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại ảnh hưởng năng suất, sản lượng và chất lượng xoài. Sản xuất đạt chứng nhận còn rất khiêm tốn, cũng như sản phẩm xoài chế biến còn ít. Cùng với đó, thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ, giá bán biến động, không ổn định; yêu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng tăng v.v..
Các chuyên gia thông tin về thị trường xuất khẩu xoài
Với khó khăn đó, nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài. Trong đó, có tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp, thu hút đầu tư chế biến xoài. Về giải pháp về kỹ thuật, quan trọng nhất là ở khâu người sản xuất phải làm tốt quy trình sản xuất an toàn, rải vụ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ v.v..
Về xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, trong đó có Trung Quốc.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xoài là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 02 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu xoài đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc là nước nhập khẩu xoài của Việt Nam nhiều nhất và hiện nay có nhiều thay đổi và quy định mới về nhập khẩu. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói; lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Ở mỗi thị trường nhập khẩu xoài sẽ có các yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau. Nhìn chung, để hạn chế rủi ro khi xuất khẩu xoài, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ Thực vật) khuyến nghị rà soát, quy hoạch vùng trồng xoài hàng hóa, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Sản xuất theo quy trình/tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Xác định thị trường xuất khẩu để xây dựng quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu v.v..
Tại hội thảo, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chia sẻ kinh nghiệm trong nhân rộng tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị ngành hàng xoài được Công ty Cổ phần Rynan Technologies VietNam thông tin đến hội thảo. Trong đó, hệ thống sẽ quản lý tất cả thông tin từ vật tư đầu vào, canh tác, thu gom, sơ chế/đóng gói, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp số hóa quy trình canh tác, thu thập dữ liệu tự động, giám sát mã số vùng trồng, mã số đóng gói, truy xuất được nguồn gốc v.v..
Quy trình bảo quản và vận chuyển xoài xuất khẩu được thực hiện nghiêm ngặt, từ đó trái xoài đến tay người tiêu dùng ngoài nước vẫn đảm bảo chất lượng, giảm tỷ lệ hao hụt, cũng được doanh nghiệp logistic chia sẻ. Với các chi phí này nên giá bán xoài ra thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu luôn cao hơn nhiều so với giá mua tại vườn của nông dân.
Quy trình truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị xoài
Các doanh nghiệp có nhiều năm gắn bó với nhà vườn trong tiêu thụ xoài Đồng Tháp, bên cạnh đánh giá cao chất lượng xoài Cao Lãnh, còn cho biết luôn sẵn sàng hợp tác với nhà vườn xây dựng vùng trồng đạt chuẩn và liên kết tiêu thụ.
Kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, những lợi ích mang lại từ việc áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ xoài cũng được nông dân Nguyễn Phú Hiệp – Tổ hợp tác Xoài Bà Két, huyện Cao Lãnh chia sẻ.
Dịp này, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thực hiện bàn giao bộ tài liệu “Quy trình Thao tác chuẩn cho chuỗi cung ứng Xoài phục vụ xuất khẩu” cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp.
Công ty Cổ phần Rynan Technologies VietNam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương ký kết ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại huyện Cao Lãnh.
Đại biểu thực hiện nghi thức ký kết ghi nhớ
Thông tin tổng quan về ngành hàng xoài của Đồng Tháp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng xoài hơn 14.000 ha, diện tích cho trái 13.300 ha, sản lượng gần 137.000 tấn. Toàn tỉnh có 473 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP và 33,1 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có 01 ha được chứng nhận hữu cơ. Việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho xoài cũng được ngành chuyên môn thực hiện; hiện có 12 sản phẩm OCOP (3 sao, 4 sao) từ xoài. Tỉnh vừa tổ chức thành công Đại hội “Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp” lần thứ I. |
Nguyệt Ánh
Nguồn https://dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/14941506