Từ ngày 13-15/1/2025, toạ đàm “Phát thải khí mê-tan từ đồng lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long” được tổ chức tại công ty RYNAN Technologies Vietnam, với sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo ngành nông nghiệp, khoa học – công nghệ, tài nguyên – môi trường, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES), các doanh nghiệp tư nhân, các chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học đến từ các viện, trường trong và ngoài nước tham dự. Toạ đàm bao gồm hai ngày thảo luận với các phiên Lý thuyết, Ứng dụng, Kỹ thuật và một ngày khảo sát thực địa.
Các diễn giả thảo luận tại toạ đàm. Nguồn ảnh: Báo Trà Vinh
Tại buổi toạ đàm, các nhà khoa học đã giới thiệu về các dự án nghiên cứu về các tác nhân gây phát thải, đo lường khí phát thải theo thời gian thực thông qua viễn thám và mạng lưới thiết bị quan trắc thông minh AioT, từ đó xây dựng một bản đồ phát thải khí mê-tan hoàn chỉnh để nông dân và các đơn vị quản lý nông nghiệp có thể theo dõi chính xác hiệu quả của phương thức canh tác ngập khô xen kẽ (AWD), từ đó nhân rộng mô hình giúp mùa vụ đạt hiệu quả cao, tối giản đầu tư và lượng khí phát thải.
Các nhà khoa học tổ chức toạ đàm Tuyên bố khai mạc.
Từ trái qua: Tiến sĩ Lâm Đạo Nguyên, Tiến sĩ Lê Toàn Thuỷ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ.
Theo Tiến sĩ Lê Toàn Thuỷ, một trong những nhà khoa học hàng đầu tại Pháp về lĩnh vực ứng dụng vệ tinh trong quan sát mặt đất, khi cánh đồng lúa ngập nước, sự phân hủy kỵ khí của vật chất hữu cơ dẫn đến sản sinh ra khí mê-tan, lượng khí này dần tích tụ vào bầu khí quyển trong suốt thời gian cây lúa trưởng thành. Người dân Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn canh tác theo phương thức truyền thống, tức mặt ruộng ngập nước xuyên suốt mùa vụ. Nếu canh tác ngập khô xen kẽ được áp dụng hiệu quả, mỗi cánh ruộng có thể giảm 30% lượng khí mê-tan phát thải trong mùa vụ, từ đó đạt được mục tiêu giảm khí phát thải nhà kính so với canh tác truyền thống, tăng giá trị lúa gạo và tỷ suất lợi nhuận cho người trồng lúa. Do quá trình đó lường, kiểm soát truyền thống bằng sức người rất tốn kém về chi phí, cũng như thiếu tính chính xác và độ kịp thời, ứng dụng khảo sát vệ tinh là một bước tiến kĩ thuật lớn và cũng phù hợp nhất với nhu cầu đo lường trực quan của dự án giảm thiểu phát thải trên ruộng lúa.
Tiến sĩ Lê Toàn Thuỷ trong bài thuyết trình về phương án giảm thiểu các-bon cho ruộng lúa
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, giám đốc Hội đồng Quản trị Công ty RYNAN Technologies Vietnam, cũng cho biết, phương thức đo khí mê-tan hiện tại là đo theo giờ cố định và tính trung bình lượng phát thải cho cả mùa vụ chưa giải quyết được nhu cầu của đơn vị kiểm định do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường khác, trong khi các loại cảm biến chính xác hơn có giá thành quá đắt nếu muốn đầu tư diện rộng. Do đó, RYNAN Technologies Vietnam đã phát minh và sử dụng MethanEYETM – Hệ thống giám sát khí mê-tan AioT – cho các theo dõi và nghiên cứu về khí mê-tan trên Đồng bằng Sông Cửu Long để thu thập được số liệu phát thải theo thời gian thực với độ chính xác cao và thể hiện rõ ràng mối quan hệ với các tác nhân môi trường khác xuyên suốt 24 giờ. Đồng thời, hệ thống 30 trạm quan trắc nước của RYNAN cũng đã liên tục cung cấp số liệu cho dự án phát triển bản đồ ngập nước thời gian thực trên ruộng lúa qua vệ tinh của công ty khởi nghiệp GlobEO (Global Earth Observation).
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trình bày về kết quả đo phát thải với MethanEYETM
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Tất Đạt phát biểu tại toạ đàm rằng, hiện nay, các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhân rộng mô hình theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030”, nhưng còn nhiều bối rối về phương thức đo lường khí mê-tan, tăng giá trị sản phẩm đầu ra. Với sự phát triển của bản đồ phát thải khí mê-tan, nông dân sẽ được hưởng lợi từ các nghiên cứu về giám sát khí mê-tan này để đạt được mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, nâng cao thu nhập. Đồng thời, họ có thể tham gia vào thị trường bán tín chỉ các-bon trong tương lai nếu các đầu tư về hạ tầng, giống lúa, quy trình canh tác được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Ông Lê Tấn Đạt, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp phát biểu tại toạ đàm
Toạ đàm này là một phần của dự án MERIMEE (Thí nghiệm phát thải khí mê-tan từ lúa gạo Mekong) khởi xướng bởi VietSCO (Viện Giám sát Khí hậu Không gian tại Việt Nam). sử dụng dữ liệu viễn thám để mở rộng thông tin thu thập từ quan sát hiện trường và các thiết bị đo lường bằng công nghệ IoT trên một vùng rộng lớn như đồng bằng sông Cửu Long và ước tính phát thải khí mê-tan trên từng đồng lúa. Các thông tin này được sử dụng cho mục đích kiểm soát phát thải khí mê-tan và cho phép người dùng có khả năng mô phỏng các kịch bản khác nhau để giảm phát thải khí mê-tan bằng cách thay đổi phương pháp tưới tiêu trong canh tác lúa.
Đoàn khảo sát thực địa tại điểm đặt trạm MethanEYE Thanh Mỹ, Trà Vinh
Hiện nay các đề án được trình bày vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, thực hiện, với 4 trạm giám sát MethanEYE đặt tại Trà Vinh và Cần Thơ. Toạ đàm nhằm công bố những kết quả đạt được sau năm đầu tiên vận hành của dự án, đồng thời ghi nhận những ý kiến phản hồi từ các rằng giảm thiểu phát thải khí mê-tan trên canh tác lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long là một vấn đề cấp thiết, cần đảm bảo tính chính xác và ít tốn kém, từ đó mang lại lợi ích bền vững hơn cho nông dân.
MINH ANH
Nguồn: RYNAN Technologies Vietnam