Blog

HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG BẢN ĐỒ CÔN TRÙNG SỐ VIỆT NAM – CỘT MỐC 100 TRẠM GIÁM SÁT CÔN TRÙNG THÔNG MINH RYNAN (InSENTINEL)

Vào tháng 12/2024, Công ty Cổ phần RYNAN®️ Technologies Vietnam đã hoàn thiện lắp đặt thêm 8 Hệ thống Giám sát Côn trùng thông minh RYNAN®️ (InSENTINELTM) tại Long An, đưa tổng số thiết bị InSENTINELTM trên toàn Việt Nam cán mốc 100 trạm. Đây là một cột mốc vô cùng đáng ghi nhớ cho đội ngũ phát triển giải pháp nông nghiệp thông minh tại RYNAN, cũng là một bước trưởng thành vượt trội cho ngành nông nghiệp Việt Nam, cụ thể hơn là ngành lúa gạo tại nước ta.

Hình 1. Trạm InSENTINELTM tại Bình Thạnh, Mộc Hoá, Long An

Rào cản kỹ thuật ngăn cản sự phát triển của ngành lúa gạo Việt

Trong hơn một thập kỉ trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top 5 thế giới về lượng xuất khẩu lúa gạo. Ít ai biết, để đạt được những thành tựu này, những người lao động nông thôn đã không quản sớm nắng chiều mưa, cần mẫn cày, bừa, gieo, gặt tảo tần, nhưng những khó khăn và rủi ro luôn rình rập trong từng mùa vụ. Xâm nhập mặn, thay đổi thời tiết thất thường khiến dịch bệnh dễ dàng bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát. Giá thành vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc không ngừng tăng, lại không có những giải pháp thay thế làm giới hạn sự lựa chọn về bảo vệ thực vật, không thể tăng năng suất mùa vụ của người nông dân, dẫn đến việc chất lượng ít cải thiện và giá thành bán ra tăng quá chậm, khó đầu tư vào các giấy phép, chứng nhận chuyên sâu hơn để thâm nhập các thị trường khó tính hơn. Vòng luẩn quẩn này dường như không có hồi kết, và áp lực tăng giá trị xuất khẩu lúa gạo gần như đè nặng lên đôi vai người lao động.

Hình 2. Thu hoạch lúa tại điểm thử nghiệm MethanEYETM

Thấu hiểu phần nào gút mắc này trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, nhà nước đã đưa ra nhiều chương trình và quyết định khuyến khích sự vào cuộc của các doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm cải thiện phương thức canh tác của người dân, giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn, cũng như hướng đến chinh phục các thị trường khó tính bằng các chứng nhận về giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường truy xuất nguồn gốc, giảm dư lượng thuốc trừ sâu trên nông sản.

Công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam

Hình 3. Trạm InSENTINELTM tại Đồng Tháp

Chuyển đổi số cho nông nghiệp là một trong những công cuộc chuyển đổi số khó khăn nhất khi so sánh với các ngành khác như y tế, xã hội, chính phủ, giáo dục, v.v. vì nhiều nguyên nhân:

  • Nguyên nhân địa lý & thiên nhiên: diện tích địa lý của nông nghiệp rất rộng với sự ảnh hưởng liên tục từ nhiều tác nhân môi trường;
  • Nguyên nhân nền tảng: chưa từng có mạng lưới máy móc, thiết bị thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu nông nghiệp phù hợp theo thời gian thực;
  • Nguyên nhân con người: người lao động chưa được tiếp cận nhiều và thiếu kiến thức để ứng dụng các phương thức canh tác chính xác.

Những vấn đề này đưa đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cũng như chất lượng của gạo Việt. Việc canh tác “mù”, không có những số đo chính xác làm người dân dần lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ, khiến năng suất lúa ngày càng giảm do nguồn đất, nước bị nhiễm độc, lúa hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Nhiều ruộng đất đã phải bỏ không do năng suất thấp hơn 50%. Với những ruộng đồng đang canh tác, nếu vấn đề sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu không được cải thiện, kết cục có thể thấy sẽ tương tự với các ruộng lúa đã không còn khả năng sản xuất.

Không chỉ mùa màng và người tiêu dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lượng thuốc trừ sâu, người lao động nông thôn trên đồng áng là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi thuốc, lại không có các cơ chế bảo hiểm xã hội, khám sức khoẻ phù hợp. Do thiếu số liệu và thông tin về sâu rầy, nhà nông chưa được tiếp cận hoặc ứng dụng những phương thức khác để kiểm soát sâu bệnh hiệu quả hơn như kiểm soát sâu bệnh sinh học, vô tình làm vấn đề trở nên tệ hơn từng năm.

Những khó khăn trực quan nhất này là tiền đề để các phương án chuyển đổi số phát triển đúng hướng và mang tính ứng dụng cao. Nắm bắt được nhu cầu lớn về xử lý sâu hại, cùng với động lực lớn từ nhà nước như Quyết định 2151/QĐ-BNN-VP về chuyển đổi số nông nghiệp, từ năm 2022 đến nay, Công ty Cổ phần RYNAN®️ Technologies Vietnam đã nỗ lực phát triển và triển khai rộng rãi các giải pháp cho nông nghiệp thông minh, trong đó việc phát triển giải pháp quản lý sâu bệnh là một trong những dự án mũi nhọn.

 

Kiểm soát côn trùng – nguy cơ dịch hại nhưng cũng là chìa khoá kiểm soát dịch bệnh sinh học

Hình 4. Bọ rùa – một côn trùng có lợi thường cư trú trên ruộng lúa

Trong vòng một thập kỉ trở lại đây, số lượng côn trùng toàn thế giới đã giảm khoảng 40%. Theo khảo sát, đến 95% người dân ở Việt Nam đều lạm dụng thuốc trừ sâu. Bên cạnh việc tiêu diệt các sâu rầy có hại, thuốc trừ sâu cũng tiêu diệt phần lớn các loài có lợi như bọ rùa, bò xít mù xanh, v.v. đang cùng sinh sống trong khu canh tác. Các loài côn trùng có lợi này thực chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái khi chúng là thiên địch của một số loài có hại. Nếu tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch phát triển, chúng có thể là hàng rào bảo vệ hiệu quả và bền vững cho lúa và rất nhiều loại cây trồng khác.

Ý tưởng về một bản đồ số côn trùng bắt đầu từ đây, với tầm nhìn cung cấp thông tin côn trùng trong khu vực và tương quan giữa sâu rầy – thiên địch, giúp người nông dân có cái nhìn tổng quát và nhanh chóng về mức độ cân bằng của hệ sinh thái ngay trên điện thoại thông minh mà không phải ra tận cánh đồng. Thông tin về các loài côn trùng được thu thập thông qua các trạm RYNAN®️ InSENTINEL được đặt tại khu vực canh tác, sử dụng phương pháp dẫn dụ bằng pheromone hoặc đèn LED có dải bước sóng phù hợp (ánh sáng UV, ánh sáng xanh dương, ánh sáng xanh lá, ánh sáng trắng) để dẫn dụ hơn 100 loại côn trùng khác nhau trên nhiều loại cây trồng.

Hình 5. Trạm InSENTINELTM hoạt động vào ban đêm

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence), điện toán biên (Edge Computing), dữ liệu lớn (Big Data), các loài côn trùng được nhận diện, phân loại, mật độ các loài sâu hại và thiên địch cần giám sát trên vùng trồng được tự động phân tích. Hệ thống cũng đưa ra các cảnh báo, dự báo về tình hình sâu rầy trên cánh đồng theo thời gian thực để người dân xác định thời điểm phun xịt thuốc phù hợp và hiệu quả.

Hình 6. Hình ảnh do camera AI trong InSENTINELTM chụp được và gửi về app điện thoại

Năm 2022, thiết bị InSENTINELTM đã xuất sắc đạt Giải Bạc giải thưởng Make in Vietnam cho Sản phẩm số tiềm năng khi đã thành công lắp đặt 47 trạm tại Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Ninh Bình, cập nhật liên tục mỗi ngày, giúp người dân giảm lượng thuốc trừ sâu tiêu thụ cho hai đến ba mùa vụ mỗi năm.

Người dân hoặc các tác nhân có liên quan có thể tiếp cận dữ liệu về tình hình phát triển của các loại côn trùng trên khu vực giám sát bao gồm các loài sâu rầy gây hại và thiên địch được cung cấp miễn phí trên ứng dụng di động RYNAN® MEKONG.

Hình 7. Người dân có thể dễ dàng truy cập thông tin sâu rầy của trạm gần nhất trên app

Đồng thời, Chúng tôi xây dựng phần mềm quản lý trung tâm (RYNAN® SaaS) để cung cấp cho Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành nông nghiệp quản lý từ xa mạng lưới các thiết bị, giám sát sự xuất hiện và bùng phát của các loại sâu rầy gây hại, đặc biệt là rầy nâu theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Từ đó, nắm được chu kỳ phát triển của sâu rầy và đưa ra những khuyến nghị về kế hoạch xuống giống phù hợp để né rầy, hạn chế tối đa thiệt hại đến sản lượng lúa thu hoạch.

Hình 8. Thông tin giám sát côn trùng hiển thị trên SaaS

Định hướng “chuyển đổi số – chuyển đổi xanh” đưa nông nghiệp Việt tiến xa

InSENTINELTM hiện đã lắp đặt 100 trạm tại hầu hết các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Lâm Đồng, Phú Yên, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác theo dõi dữ liệu cùng các đơn vị như Bộ Nông Nghiệp & PTNT, Trung tâm BVTV phía Nam, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Tổ chức IRRI (International Rice Research Institution) và nhiều viện, trường khác để nghiên cứu sâu thêm về các ứng dụng của bản đồ côn trùng.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Công ty Cổ phần RYNAN®️ Technologies Vietnam đã nhấn mạnh rằng “Mục tiêu của công nghệ số không chỉ dừng lại ở việc tạo ra giá trị thặng dư cho người nông dân, mà là để người nông dân Việt Nam mình đỡ vất vả hơn, có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn.” Thực tế cho thấy, khi công cuộc chuyển đổi số được dẫn đường bởi nhu cầu phát triển bền vững với con người – môi trường – xã hội, cơ hội đổi mới là vô hạn. Với độ đa dạng cao trong ứng dụng, bản đồ côn trùng là bước đệm công nghệ thiết yếu để kiểm soát sâu bệnh bằng phương thức sinh học cho nông nghiệp, đưa nông sản Việt lên một tầm cao mới, tạo nên phương hướng phát triển mới và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân lao động trên chính những cánh đồng ở quê nhà của họ.

MINH ANH