Việt Nam cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức của năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, dự án 1 triệu ha lúa phát thải thấp đã được triển khai thí điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này không chỉ hướng tới việc giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải mà còn tiềm năng mang về 2.500 tỷ đồng/năm từ việc bán tín chỉ carbon, tạo cơ hội cho cộng đồng và doanh nghiệp tham gia vào nỗ lực cải thiện môi trường nông nghiệp.
Là một trong những đơn vị tiên phong, Công ty CP Rynan Technologies VietNam đã phát triển mạng lưới hệ thống giám sát phát thải khí mê-tan, hiện đang được thử nghiệm tại tỉnh Trà Vinh. Mạng lưới này sẽ cung cấp số liệu chính xác về lượng phát thải khí mê-tan từ các diện tích lúa tham gia quy trình canh tác chất lượng cao, qua đó giúp minh bạch hóa thông tin về phát thải khí nhà kính.
Để hiểu vấn đề rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Rynan Technologies VietNam.
– Ông có thể chia sẻ lý do nào đã thúc đẩy việc phát triển hệ thống giám sát phát thải khí mê-tan?
Với sản lượng lúa gạo lớn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ mỗi năm, trong đó 70% lượng này bị đốt hoặc vùi vào đất. Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng phát thải khí mê-tan (CH4) và các khí nhà kính khác.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp,” nhằm giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Tại đề án này, một số chính sách mới sẽ được thực hiện thí điểm, như việc chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả từ các vùng lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Để bán tín chỉ carbon, cần có các số liệu đo phát thải khí mê-tan một cách minh bạch và rõ ràng. Hiện tại, phương pháp đo phổ biến tại Việt Nam sử dụng “buồng tích lũy khí,” nhưng cách thức này gặp nhiều hạn chế về thời gian, công sức và tính chính xác.
Với quy trình đo đạc truyền thống, diện tích đo chỉ khoảng vài m2, và thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ 8h đến 10h sáng. Điều này làm cho việc đo đạc trở nên công phu, không kịp thời và không thể phản ánh biến động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, thời tiết và lượng nước trong suốt cả ngày. Các kết quả từ phương pháp này không đủ chính xác và không đáp ứng yêu cầu minh bạch.
Vì vậy, tôi và đội ngũ kỹ sư của mình đã gấp rút phát triển một mạng lưới các hệ thống giám sát phát thải khí mê-tan thông minh có tên là MethanEYE™ bằng cách áp dụng “trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (AIoT)”, thu thập dữ liệu trên mặt đất kết hợp với dữ liệu viễn thám để giám sát phát thải khí mê-tan từ canh tác lúa ở diện rộng và thời gian thực với chi phí đầu tư hạ tầng thấp.
Hệ thống này không chỉ giúp tự động hóa quy trình đo đạc mà còn tăng cường độ chính xác và tính minh bạch của dữ liệu, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị mua chứng chỉ carbon.
– Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quy trình thu thập dữ liệu cũng như những lợi ích cụ thể mà mạng lưới các hệ thống MethanEYE™ mang lại?
Mạng lưới các hệ thống MethanEYE™ được chúng tôi nghiên cứu và phát triển để đo lường và giám sát phát thải khí mê-tan trực tuyến. Đây là giải pháp công nghệ cao cho ngành nông nghiệp, sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để ước tính lượng phát thải khí mê-tan từ canh tác lúa tại ĐCSL theo thời gian thực trên diện rộng.
Mạng lưới mày kết hợp dữ liệu thu thập từ vệ tinh và các hệ thống thông minh trên mặt đất, với mục tiêu cung cấp thông tin chính xác và giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng.
Cụ thể, hệ thống MethanEYE™ tự động điều hòa nhiệt độ và sử dụng cảm biến để đo độ hấp thụ tia hồng ngoại gần của khí mê-tan tích lũy trong buồng khí. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp nhiều loại cảm biến khác nhau để đo các thông số như nhiệt độ đất (ở độ sâu 15 cm), nhiệt độ bề mặt đất (1 cm), nhiệt độ không khí, cường độ ánh sáng, lượng chất dinh dưỡng trong đất, độ ẩm đất và mực nước trên ruộng.
Dữ liệu thu thập từ các cảm biến này sẽ được kết hợp với dữ liệu vệ tinh giám sát tuổi lúa, mực nước trên ruộng và các yếu tố thời tiết khác. Mạng lưới các hệ thống MethanEYE™ còn áp dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo để tạo ra “bản đồ trí tuệ nhân tạo sinh học (GenAI)” theo thời gian thực, hoạt động liên tục 24/24.
Mục tiêu của hệ thống là cung cấp thông tin minh bạch và chính xác, giúp đo lường lượng phát thải khí mê-tan trên diện rộng mà không đòi hỏi chi phí đầu tư cao.
Các chỉ số khí mê-tan được đo lường theo thời gian thực trong suốt toàn bộ chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Chúng tôi cung cấp kết quả dưới dạng biểu đồ trực quan với số liệu chính xác cho nông dân và các đơn vị liên quan. Thông tin này sẽ được hiển thị trên phần mềm quản trị trung tâm và cho phép nông dân cùng các đơn vị quản lý theo dõi qua smartphone.
Mạng lưới các hệ thống này còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát quy trình canh tác và đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của đề án được thực hiện đúng. Từ đó, nông dân có thể điều chỉnh quy trình canh tác của mình cho phù hợp.
Ví dụ, số liệu thực tế cho thấy nếu áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ và rút 15 cm nước dưới mặt đất một lần trong một vụ, lượng phát thải khí mê-tan có thể giảm từ 20 đến 30%. Nếu rút nước 2-3 lần trong một vụ, mức giảm phát thải có thể đạt từ 40 đến 50%.
Nhờ có hệ thống này, cơ quan quản lý có thể giám sát quy trình canh tác, xác định xem liệu những tiêu chí mà đề án yêu cầu đã được đạt được hay chưa. Các dữ liệu thu thập được cũng sẽ giúp các đối tác có nhu cầu mua tín chỉ carbon, vì họ rất cần những số liệu minh bạch và chính xác để đưa ra quyết định.
– Hiện tại, hệ thống đang được lắp đặt thí điểm trên thực tế, dự kiến sẽ mở rộng như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Mạng lưới hệ thống MethanEYE™ đã được triển khai và lắp đặt tại hai mô hình điểm thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại HTX Phước Hảo và HTX Nông nghiệp Phát Tài tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Sau một thời gian hoạt động, các thông số đo đạc cho thấy hệ thống này không chỉ cập nhật chính xác mà còn cung cấp dữ liệu minh bạch. Trong thời gian tới, mạng lưới hệ thống MethanEYE™ sẽ được mở rộng triển khai tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, và tiếp theo là các mô hình thí điểm tại bốn tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng. Mục tiêu là mở rộng ứng dụng mạnh mẽ, nhằm tạo ra một hệ thống quản lý phát thải khí mê-tan hoàn thiện cả về quy mô và hiệu quả.
Đồng thời, với vai trò là một doanh nghiệp luôn đổi mới và sáng tạo, chúng tôi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào nông nghiệp thông minh.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, chúng tôi mong muốn nhà nước thiết lập các cơ chế chấp nhận rủi ro khi áp dụng các sản phẩm khoa học kỹ thuật mới, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, và khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Chỉ khi có sự đồng hành chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp, cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trân trọng cảm ơn ông!