Sự kiện

TS Nguyễn Thanh Mỹ – Dùng AI giảm phát thải từ nuôi tôm

Dùng AI trong quản lý môi trường nước giúp giảm phát thải khí nhà kính và dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi, theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ.

Mô hình do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group kiêm Tổng giám đốc Rynan Holdings JSC nêu tại tọa đàm “Kết nối – Vươn xa”, chủ đề “Các mô hình Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL”.

Tại hội thảo, tiến sĩ nói lên các thách thức trong mô hình nuôi tôm truyền thống như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh lây lan và việc lạm dụng hóa chất. Những vấn đề này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Cứ một tấn tôm tốn 0,5 ha đất, 6.000-9.000 m3 nước, phát thải 10,5 tấn CO2. Trong tổng lượng 10,5 tấn khí phát thải này, 50% bắt nguồn từ năng lượng từ hệ thống sục khí hoặc đảo dòng cung cấp oxy; 30% từ nguồn thức ăn; 16% từ các hoạt động sinh học trong ao nuôi.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trình bày trong phiên tọa đàm chiều 15/11. Ảnh: Thanh Tùng

Để cải thiện, ông Mỹ đề xuất giải pháp về mô hình kết hợp giữa vi sinh, tảo và ứng dụng AI giúp cải thiện năng suất, góp phần bảo vệ môi trường nuôi tôm. Với các thiết bị cảm biến thông minh và hệ thống phân tích dữ liệu, AI có thể cung cấp thông tin thời gian thực về chất lượng nước, nồng độ oxy, nhiệt độ, độ mặn và các yếu tố khác.

“Trước đây, phải mất hàng giờ hoặc thậm chí cả ngày để kiểm tra các chỉ số như pH, oxy hòa tan hay nhiệt độ nước. Nhưng giờ, người nông dân chỉ cần vài phút, toàn bộ thông số được cập nhật chính xác và gửi trực tiếp đến điện thoại”, tiến sĩ nói.

Công nghệ còn hỗ trợ dự đoán dịch bệnh dựa trên các dữ liệu môi trường và lịch sử nuôi trồng. Nhờ đó, người nuôi có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch quản lý, giảm rủi ro và tiết kiệm chi phí.

Vấn đề kế tiếp là dịch bệnh. Sử dụng kháng sinh không chỉ tốn kém mà còn gây lo ngại về dư lượng hóa chất trong sản phẩm và tạo ra siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Thay vào đó, việc ứng dụng các loài vi sinh vật và sản phẩm từ động-thực vật tự nhiên có khả năng kiểm soát tác nhân gây bệnh – đã chứng minh tính hiệu quả.

Cụ thể, ông dẫn chứng về việc sử dụng các loài vi tảo và ấu trùng ruồi lính đen để thay thế thức ăn trong ao nuôi. Phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen được đề cập đến nhờ khả năng chuyển hóa chất thải hữu cơ thành nguồn protein, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn thức ăn truyền thống từ bột cá và peptide từ ấu trùng có khả năng kháng khuẩn. Song song, tảo giúp cung cấp oxy, thức ăn, xử lý môi trường nước và hạn chế bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết mô hình này đã được áp dụng thí điểm tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm ở Việt Nam và đạt được kết quả khả quan, năng suất tôm tăng lên 20-30%, trong khi chi phí xử lý môi trường giảm đáng kể. Thành công này mở ra triển vọng nhân rộng mô hình trên cả nước, hướng đến mục tiêu phát triển thủy sản bền vững.

Tuy nhiên, ông Mỹ cũng lưu ý rằng để áp dụng rộng rãi các giải pháp này, cần có sự hỗ trợ từ chính sách và các chương trình đào tạo cho người nuôi tôm. Việc đầu tư vào công nghệ và bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Các đại biểu lắng nghe phần chia sẻ của ông Mỹ trong phiên tọa đàm “Các mô hình Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL”. Ảnh: Thanh Tùng

Bên cạnh mô hình sáng kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, hội thảo thu hút nhiều thảo luận xoay quanh hai vấn đề nổi bật trong ngành nuôi tôm: bảo hiểm nuôi tôm và ứng dụng công nghệ sử dụng tảo xoắn.

Theo đó, việc triển khai bảo hiểm nuôi tôm sẽ giúp giảm rủi ro cho người nuôi, đặc biệt khi ngành này phải đối mặt với biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Đồng thời, sử dụng tảo xoắn như một nguồn dinh dưỡng thay thế bột cá có thể làm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên biển, thúc đẩy sản xuất tôm theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Tọa đàm “Kết nối – Vươn xa” với chủ đề “Các mô hình Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL” thuộc khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2024, diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp. Sự kiện được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.

Chương trình thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.

Sự kiện không chỉ là cơ hội chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển bền vững, giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo động lực mới, mà còn thúc đẩy loạt sáng kiến, giải pháp biến mục tiêu kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo thành hiện thực.

Thái Anh – Hoàng Đan

Nguồn: https://vnexpress.net/dung-ai-giam-phat-thai-tu-nuoi-tom-4816923.html