RYNAN Technologies Vietnam là thành viên của Tập đoàn RYNAN (2 thành viên khác gồm Công ty Cổ phần RYNAN Smart Agriculture và Công ty Cổ phần RYNAN Smart Aquaculture) ra đời năm 2016 từ quyết định tiếp tục khởi nghiệp ở tuổi 60 của vị Tiến sĩ luôn canh cánh trong lòng ước mơ “giúp người trong quê trong làng có công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn”.
Tua ngược dòng thời gian, quay lại thời điểm năm 2004, sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Canada rồi Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trở về Trà Vinh với vai trò là một nhà khoa học và doanh nhân thành đạt. Ông trở lại nơi “chôn rau cắt rốn” để bắt đầu hành trình đóng góp thiết thực cho quê hương bằng kế hoạch đầu tư, xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan, chuyên sản xuất bản in offset CTP, máy và mực in phun công nghiệp, màng chất dẻo đa lớp cản khí cao – những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi sự đầu tư cơ sở hạ tầng máy móc, thiết bị chuyên nghiệp.
Vượt qua rất nhiều khó khăn về nhân sự, hạ tầng yếu kém, sự không ủng hộ của bạn bè, và cả những bỡ ngỡ về thủ tục đầu tư vào Việt Nam, ông đã “thu quả ngọt” trên mảnh đất quê mình. Tập đoàn Mỹ Lan trở thành công ty công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được Bộ Khoa học – Công nghệ công nhận, doanh thu hàng năm trên 30 triệu USD.
Thực hiện xong ước mơ thời trẻ, tháng 12/2015, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ công bố nghỉ hưu tại Tập đoàn Mỹ Lan.
Ở độ tuổi hưu trí nhưng “trí không hưu”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ khiến nhiều người bất ngờ khi khoe “đứa con mới”: RYNAN Technologies Vietnam, vào năm 2016.
Ông kể lại cơ duyên dẫn tới việc tiếp tục khởi nghiệp: “Mỗi ngày, tôi đi thuyền từ nhà ở Cù lao Long Trị nằm giữa sông Cổ Chiên sang đất liền để chơi tennis. Mỗi chuyến quay về, tôi nhận thấy cây cối ở cù lao xung quanh nhà mình chuyển dần sang màu nâu. Tôi quay sang hỏi các nhân viên: Sao không lấy nước tưới cây để cho nó xanh tươi hơn? Câu trả lời tôi nhận được là: Nước bị nhiễm mặn, không sử dụng để tưới cây được. Mỗi giờ, các nhân viên phải đi đo độ mặn, thời điểm đầu năm 2016, độ mặn có lúc lên đến 12 phần nghìn ở Vàm Trà Vinh cách bờ biển khoảng 55 – 60 km. Lúc này, tôi mới để ý đến vấn đề xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, dù trước đây tôi đã nghe nhiều”.
Tập trung tìm cách giải quyết hiện trạng, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nảy ý tưởng làm ra thiết bị phao quan trắc độ mặn nổi trên mặt nước để có thể lấy thông tin về độ mặn và mực nước 15 phút/lần, dữ liệu tự động đồng bộ lên “đám mây”. Nhờ đó, người dân không cần phải đi ra sông đo độ mặn mà vẫn có thể biết được khi nào có nước ngọt để tưới cây. Đến nay, mạng lưới quan trắc chất lượng nước thông minh này đã được lắp đặt với hơn 65 trạm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Kể từ đó, chúng tôi xác định sứ mệnh phát triển RYNAN Technologies Vietnam trở thành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiên phong trong việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để sáng tạo ra các giải pháp thông minh giúp xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nhớ lại.
Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam có trụ sở chính tại ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, bao gồm trung tâm dữ liệu (Data center), trung tâm nghiên cứu và nhà máy sản xuất.
RYNAN Technologies Vietnam chuyên nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến như công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán biên (Edge Computing)… để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp và thủy sản, giúp nông dân “An tâm canh tác”.
“Ngành nông nghiệp và thủy sản đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu. Ước tính đến năm 2050, dân số thế giới toàn cầu đạt hơn 9 tỷ người. Bên cạnh những thách thức cũng sẽ là nhiều cơ hội để chúng tôi ứng dụng khoa học công nghệ vào trong nông nghiệp và thủy sản”, ông Mỹ lý giải nguyên nhân chọn “con đường” nghiên cứu, phát triển và tích hợp các giải pháp công nghệ số ứng dụng cho nông nghiệp và thuỷ sản.
Những ngày đầu thành lập công ty, khó khăn lớn nhất là xây dựng đội ngũ nhân sự có chuyên môn trong các lĩnh vực công nghệ 4.0, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… Có được một đội ngũ kỹ sư với đầy đủ kiến thức chuyên môn để phát triển những sản phẩm mà ông Mỹ mong muốn là điều không dễ dàng ở một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Khi khởi nghiệp, tôi xác định chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức cần phải vượt qua. Bản thân tôi đã khởi nghiệp nhiều lần, nên có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, chưa có lúc nào tôi nản lòng”, ông Mỹ giãi bày.
Để có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, theo ông Mỹ, nhất định phải xác định được nhu cầu của các đối tượng liên quan, đặc biệt là nhu cầu của đất nước. Nhiều nhu cầu đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, ví dụ Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; hay Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Sau khi xác định được nhu cầu thì sẽ xác định được đối tượng khách hàng để có thể phát triển sản phẩm phù hợp. Những khách hàng mà RYNAN Technologies Vietnam hướng tới trước hết là cơ quan quản lý Nhà nước, kế đến là doanh nghiệp, người nông dân, người tiêu dùng, và cuối cùng là những nhà nghiên cứu, viện, trường.
“Chuyển đổi số gồm 4 phần: Số hóa dữ liệu, Số hóa quy trình, Vận hành số, và Quản lý dữ liệu số. Việt Nam mình còn chưa mạnh về số hóa quy trình, bởi vì hoạt động này liên quan đến việc tích hợp các thiết bị thông minh vào từng phân khúc trong chuỗi giá trị nông sản để thu thập dữ liệu tự động. Trước giờ ở Việt Nam chủ yếu vẫn mua thiết bị nước ngoài về, chứ chưa thể tự nghiên cứu, phát triển ra các thiết bị thông minh. Nhưng thời gian qua, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và phát triển những thiết bị thông minh để tự động thu thập dữ liệu trong nông nghiệp và thủy sản, cũng như dịch vụ điện toán đám mây tích hợp trí tuệ nhân tạo để quản lý cơ sở dữ liệu và vận hành số”, ông Mỹ bàn thêm câu chuyện chuyển đổi số nông nghiệp.
Tới nay, RYNAN Technologies Vietnam đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm thông minh, chất lượng, giúp nâng cao năng suất và lợi nhuận sản xuất, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân; góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp chính xác, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhà sáng lập RYNAN Technologies Vietnam tự hào khoe 3 sản phẩm chủ lực của công ty: Đầu tiên là máy in và mực in phun phục vụ truy xuất nguồn gốc cho phân khúc tiêu dùng, đang là sản phẩm có doanh thu lớn nhất của công ty, xuất khẩu sang gần 80 quốc gia trên thế giới.
Kế đến là hệ thống giám sát côn trùng thông minh trong canh tác, sản phẩm quan trọng đặt nền tảng để phát triển ngành nông nghiệp thông minh, an toàn, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai.
Và ba là TOMGOXY™, một mô thức nuôi tôm hoàn toàn mới, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, năng lượng, đặc biệt là không phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh những sản phẩm chủ lực vừa nêu, công ty của ông Mỹ còn có nhiều dòng sản phẩm khác trong hệ sinh thái như: Hệ thống giám sát chất lượng nước thông minh, đồng hồ nước thông minh, máy bán thức ăn thông minh,…
Cũng giống như khi phát triển Mỹ Lan, nhà sáng lập RYNAN ngay từ sớm đã định hướng tập trung phát triển thị trường xuất khẩu, bởi vì quy mô thị trường rất lớn và đem lại nhiều doanh thu, lợi nhuận hơn. Thị trường trong nước là một bước đệm để thử nghiệm sản phẩm, thử nghiệm thị trường.
Tận dụng được mạng lưới phân phối của Tập đoàn Mỹ Lan (xuất khẩu sang hơn 76 quốc gia trên thế giới), việc chinh phục khách hàng và thị trường quốc tế của RYNAN Technologies Vietnam dễ dàng hơn so với nhiều công ty khởi nghiệp khác.
“Là doanh nghiệp công nghệ cao tập trung cho xuất khẩu, chúng tôi đã đầu tư hơn 10 triệu đô la trong những năm đầu tiên để phát triển công nghệ mới, đặc biệt là đầu tư về con người. Những sản phẩm mà chúng tôi làm ra là những sản phẩm hoàn toàn mới, độc quyền về công nghệ, đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trên toàn thế giới. Hiện chúng tôi chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường trong nước lẫn quốc tế”, ông Mỹ tự tin khẳng định.
Năm ngoái, hệ thống giám sát côn trùng thông minh – sản phẩm “Make in Vietnam” của RYNAN Technologies Vietnam đã được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho phép nhập khẩu để phục vụ việc giám sát, dự báo tình hình tăng trưởng phát triển của dịch bệnh trên cây trồng ở Nhật Bản trong năm 2023.
Những hệ thống thử nghiệm đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản từ năm 2022. Có sự hậu thuẫn của một trong những đối tác chiến lược là công ty thương mại lớn nhất thế giới tại Nhật Bản, việc đưa sản phẩm “Make in Vietnam” sang thị trường Nhật Bản không quá khó khăn.
“Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 hệ thống giám sát côn trùng thông minh của chúng tôi hoạt động tại Nhật Bản. Chúng tôi đang trong quá trình sản xuất để chuẩn bị đến cuối năm sẽ xuất thêm 27 hệ thống. Như vậy, tổng cộng trong năm 2023, sẽ có 51 hệ thống được xuất sang Nhật. Dự kiến, trong năm 2024 sẽ có khoảng 50 – 100 hệ thống. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sự phát triển của công nghệ, chúng tôi luôn cải tiến và đưa thêm vào nhiều tính năng liên tục. Cứ mỗi 6 tháng, chúng tôi lại cập nhật thêm tính năng mới”, ông Mỹ thông tin.
Tiếp nối thị trường Nhật Bản, mới đây, RYNAN Technologies Vietnam lại vừa ký kết hợp tác với Công ty Bronx Technology (Campuchia).
“Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) sau khi hỗ trợ chúng tôi thực hiện thành công các dự án về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, đã kết nối và giúp chúng tôi tiếp cận thị trường Campuchia, có vị trí địa lý gần Việt Nam và nền nông nghiệp có nhiều yếu tố tương đồng. Tuy nhiên, Campuchia chỉ là mục tiêu nhỏ trong kế hoạch “Go Global” của chúng tôi. Các quốc gia tiếp theo mà chúng tôi dự kiến mở rộng sẽ có cả Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ…”, ông Mỹ cho biết.
Khi được hỏi “Khát vọng lớn nhất của ông lúc này là gì?”, vị Tiến sĩ táo bạo khởi nghiệp ở lứa tuổi 60 chia sẻ tham vọng cá nhân: “Xây dựng được bản đồ côn trùng thế giới có thể cập nhật dữ liệu liên tục hàng ngày”.
“Để làm được việc đó thì đòi hỏi mạng lưới các hệ thống giám sát côn trùng thông minh phải được lắp đặt trên quy mô rộng lớn hơn. Chúng tôi cần phải làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của mỗi quốc gia để đưa được sản phẩm của mình vào thị trường mục tiêu. Thường thì phải mất khá nhiều thời gian để làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi đang rất cần tìm đối tác chiến lược nội địa tại mỗi quốc gia để quá trình làm việc với các cơ quan nhà nước sở tại diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ một cái kết mở trước khi tạm dừng câu chuyện về hành trình “ra biển lớn” của RYNAN Technologies Vietnam.
Anh Sơn Hoàng Phương, ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh:
Qua quá trình sử dụng trạm giám sát côn trùng thông minh của Công ty RYNAN Technologies Vietnam, tôi nhận thấy trạm mang lại lợi ích rất thiết thực cho bà con nông dân. Thứ nhất, trạm dẫn dụ côn trùng bằng đèn có bước sóng phù hợp, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động đếm côn trùng, rất chính xác. Thứ hai, dữ liệu được gửi lên trên app điện thoại nên mọi người có thể xem và đánh giá được lượng côn trùng có lợi hoặc gây hại, qua đó, có thể quyết định có nên phun thuốc bảo vệ thực vật hay không. Trước kia, mình ra đồng xem trên lúa, cứ thấy rầy là đi phun thuốc, làm vậy sẽ giết cả những côn trùng có lợi. Giờ có trạm giám sát côn trùng thông minh, mình sẽ biết được lượng thiên địch và sâu rầy thế nào, nếu thiên địch nhiều hơn sâu rầy thì mình quyết định không cần phun thuốc nữa. |
Báo cáo đánh giá hiệu quả của hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp (tháng 7/2023):
Hiện nay, toàn tỉnh đã lắp đặt và vận hành 15 hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Công ty RYNAN Technologies Vietnam tại các vùng sinh thái trồng lúa và cây ăn trái. Các bẫy đèn sử dụng điện mặt trời phù hợp với điều kiện lắp đặt tại các cánh đồng, vườn cây ăn trái, nguồn năng lượng tái tạo giúp tiết kiệm điện; hạn chế được các rủi ro về tai nạn điện vào thời điểm mưa bão. Hệ thống tự động thu thập phân tích và thống kê mang tính đồng nhất, ít sai số so với bẫy đèn thủ công hiện nay. Hệ thống chiếu sáng có 4 màu (xanh, xanh lá, trắng, UV) có thể điều chỉnh để thu hút côn trùng, có khả năng nhận dạng, nhận diện hơn 90 đối tượng côn trùng khác nhau, với độ chính xác hơn 95%. Bên cạnh đó, hệ thống còn có các bộ cảm biết thu thập dữ liệu nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió, hướng gió và lượng mưa trong ngày, từ đó, bà con nông dân có thêm dữ liệu về môi trường để canh tác và đánh giá được những yếu tố tác động đến côn trùng trong khu vực. Việc quản lý, vận hành hệ thống được thực hiện từ xa thông qua giao diện điều khiển trên phần mềm quản lý trung tâm hoặc ứng dụng di động. Công ty RYNAN Technologies Vietnam luôn đồng hành với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp và các địa phương vận hành để duy trì công tác bảo dưỡng và tiếp nhận những phản hồi về sản phẩm để đưa ra những cải tiến phù hợp. Công ty luôn sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cấp các hệ thống giám sát côn trùng phiên bản cũ với chi phí tối ưu nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng hệ thống giám sát côn trùng thông minh để nhận dạng, thống kê, phân tích, phục vụ công tác dự báo sâu rầy trên địa bàn tỉnh. |
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Nguyễn Cúc