Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ:
Nghĩ mình là người Việt Nam, đừng nghĩ mình là Việt Kiều, thì mình sống thoải mái hơn ở Việt Nam.
CONTACTS
Bài viết

Đạp xe trong thời dịch!

Nguyễn Thanh Mỹ

Doanh nhân, Nhà khoa học

Trong những tháng qua, hầu hết mọi người chúng ta sống trong lo âu với nhiều áp lực do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư.

Tôi viết bài này với mục đích mang đến các bạn chút vui tươi để bớt đi phần nào những phiền muộn trong cuộc sống. Công ty của chúng tôi thực hiện ba tại chỗ đã hơn tháng nay. Mỗi sáng tôi đạp xe đi quanh nhà xưởng được xây dựng khang trang và hiện đại trên 20 hecta đất trong KCN Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Tôi ghé vào những nơi nghiên cứu và sản xuất để hỏi thăm các cháu nhân viên đêm qua ngủ như thế nào ? Ăn uống có vừa miệng không? Thể dục thể thao ra sao? Và các dự án tiến triển như thế nào?

Lúc đạp xe tôi chợt nhớ lại câu nói của Albert Einstein: “Life is like riding a bicycle, to keep your balance, you must keep moving”, tạm dịch là “cuộc sống giống như chạy xe đạp, muốn giữ cân bằng, phải luôn chạy tới”.

Cũng tại đoạn đường này trong khuôn viên của công ty đúng 8 năm trước, anh Alan Phan xuống mừng sinh nhật tôi. Sáng sớm anh và tôi đi bộ thể dục, anh nói “Vận hành thành công một doanh nghiệp là phải giữ được cân bằng giữa những quan hệ trong một đại gia đình phức tạp mà trong đó khách hàng là cha; cổ đông là mẹ; ngân hàng là tình nhân; nhà cung cấp là anh chị; đối thủ cạnh tranh là láng giềng hàng xóm; nhân viên là đàn con mọn và quan chức ban ngành là chú bác”.

Trong thời buổi Covid-19 này, vận hành một doanh nghiệp với nhiều dòng sản phẩm khác nhau, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khó khăn gấp trăm lần hơn trước dịch. Do đó, tôi “phải luôn chạy tới để giữ cân bằng” những mối quan hệ phức tạp mà tôi hàng ngày phải đối mặt với những thực tế:

Mấy “ông cha ruột” trong nước bị nhiễm SARS-CoV-2 chết gần 4 tháng nay. Mấy ổng không mua hàng nữa nên không còn doanh thu.

Mấy “ông cha nuôi” người nước ngoài vừa hồi phục Covid-19, vẫn còn mệt nên khó tánh và rất nghiêm khắc. Giao hàng không đúng hạn hoặc kém chất lượng thì ổng trả về và bắt bồi thường.

Còn “các bà mẹ” Nhật, Mỹ và Thụy Sĩ tuy không cùng quốc tịch nhưng giống tính nhau như đúc. Mấy mẹ cứ đua nhau đòi báo cáo tài chính, than phiền là tại sao doanh thu quý này xuống thấp quá vậy ? Lợi nhuận dự báo năm nay hơn năm rồi là bao nhiêu ? Đã có kế hoạch tăng doanh thu cho năm tới chưa ?

Chưa đủ phiền sao mà “mấy cô nhân tình” cứ lải nhải hết gửi thư rồi nhắn tin trên điện thoại đòi tiền. Tháng này sao anh đưa tiền trễ quá, rồi làm eo làm sách nói là không thèm hẹn hò nữa và rủ nhau tăng tiền lãi suất.

Rõ khổ, thêm “anh chị nuôi người nước ngoài” có tật đổ thừa. Nhà máy bán dẫn bị cháy năm rồi nên giao linh kiện điện tử cho chúng tôi sản xuất máy in phun trễ 27 tuần. Bộ phận mua hàng công ty than phiền thì anh chị lại tăng thêm thời gian giao hàng đến 52 tuần và đòi tôi phải trả tiền trước khi đặt hàng.

Mấy “anh chị ruột ở trong nước” thì nói là cảng Cát Lái có F0, không đem hàng ra cho em được nên giao hàng không đúng hẹn, trễ vài tuần thông cảm cho anh chị nhé. Vài tuần sau đó anh chị lại gọi và nói là xe giao hàng chưa xin được luồng xanh nên không biết chừng nào xuống đến Trà Vinh, cố gắng chờ đi nhe ! Đúng là “chị ngã, em nâng” thật, chị trễ thì em phải chờ.

Láng giềng hàng xóm thì không có đụng hàng nên cũng không gì phải lo ngại cạnh tranh. Hơn nữa sản phẩm của công ty tôi là hàng độc, không có công ty nào trong nước sản xuất nên mấy ông cha nuôi người nước ngoài thích lắm và ký hợp đồng dài hạn. Đây là nguồn doanh thu giúp công ty tôi còn tồn tại được trong thời Covid-19 này.

“Đàn con mọn” thì một phần tư gởi về nội và một phần tư còn lại ở với ngoại. Tôi vẫn phải gởi tiền phụ cấp hàng tháng, lại còn phải đóng tiền bảo hiểm xã hội và những phụ cấp khác nữa cho chúng sống. Trong thời buổi Covid-19 này, đôi khi thu tiền về bị chậm, nhưng đóng tiền bảo hiểm xã hội trễ thì vẫn bị phạt lãi trả chậm!

Phân nửa đám con mọn còn lại theo tôi vào công ty thực hiện ba tại chỗ. Cũng nhờ đám này thông minh, chịu khó và rất kỷ luật, nên giúp rất nhiều cho công ty tôi sống sót chờ ngày dịch đầu hàng để sống chung. Do đó phải lo cơm nước cho ngon miệng, giặt giũ quần áo tươm tất, chỗ ngủ mát mẻ và tuyệt đối không có muỗi để bọn nhỏ an tâm ăn no, ngủ ngon và mặc đẹp nhằm tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu và sản xuất.

Tội nghiệp mấy đứa con mọn theo tôi vô công ty làm ba tại chỗ này, cứ 7 ngày thì bọn nó bị kéo ra một lần để ngoáy mũi xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 theo chỉ thị của Bộ Y tế đối với những công ty thực hiện ba tại chỗ. Có đứa hỏi tôi là ngoáy mũi riết bị nghiện như đi lấy ráy tai thì sao đây chú? Là nhà sáng chế, tôi liền có ngay ý tưởng chế tạo máy ngoáy mũi, “đi tắt đón đầu xu thế” để bán cho những người nghiện ngoáy mũi sau khi không còn ba tại chỗ nữa.

Do anh chị tôi giao trễ linh kiện và nguyên liệu mà đám con mọn của tôi lại nhàn, thèm sản xuất mà không được. Tận dụng thời gian quý giá của ba tại chỗ, tôi nói với mấy nhóc cố gắng vận dụng đầu óc và trí tuệ để sáng chế và phát triển sản phẩm mới. Trong một tháng thực hiện ba tại chỗ, mỗi tuần chúng tôi đăng ký một đến hai bản quyền cho những thiết bị thông minh công nghệ 4.0 ứng dụng trong ngành thủy sản. Thời Covid-19 đăng ký nhiều bản quyền trong tháng mà Cục Sở hữu trí tuệ lại không có chính sách tính giá sỉ để tôi được giảm chi phí nên cũng hơi bị bức xúc. Thôi thì ráng sản xuất để đưa ra thị trường nhằm thu hồi vốn lại sau !

“Chú bác” tôi rất đông ở đây và là những người khó tánh nhất trong đại gia đình phức tạp của tôi. Hôm nào vui thì bảo tôi “phải chủ động, linh hoạt áp dụng phương án ba tại chỗ để duy trì sản xuất”. Hôm nào buồn thì chú bác bảo ngừng sản xuất đợi hết dịch rồi hoạt động lại. Chú bác của tôi là những người rất đơn giản và suy nghĩ cũng rất đơn giản. Vận hành công ty cũng đơn giản như mở và tắt đèn, muốn công ty vận hành sản xuất thì “úm ba la” bật công tắc lên, muốn công ty dừng hoạt động thì “úm ba la” gạt công tắc xuống.

Mấy hôm nay tôi mừng vì nghe Thủ tướng nói là “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Cái này thì không khó lắm với tôi vì mấy năm nay cùng bà xã đang sống chung với bệnh.

Đời nghĩ mà ngộ, doanh nghiệp vận hành hay không, chúng tôi đều phải trả đủ mọi loại thuế cho nhà nước. Những đứa con mọn của tôi sẽ không chết vì SARS-CoV-2 vì chúng còn trẻ và vừa được tiêm ngừa. Chúng có thể chết vì công ty không còn muốn thực hiện ba tại chỗ nữa, phải về ở lại nhà trọ sống giãn cách theo chỉ thị 16 và ăn dài ngày mì gói. Chắc đến lúc tôi nên học suy nghĩ đơn giản, “khó quá làm chi cho cực”.

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân Việt kiều đầu tư tại Việt Nam

 

Nguyễn Thanh Mỹ